Cuộc gặp tại Hawaii là chỉ báo mới nhất biểu thị quyết tâm của Washington đẩy mạnh chiến lược “xoay trục” châu Á vốn đang bị đặt nhiều dấu hỏi.
Mỹ muốn trấn an các đối tác ở châu Á rằng, vấn đề cắt giảm ngân sách không làm lu mờ ưu tiên Washington dành cho chiến lược tái cân bằng châu Á. Nhịp độ, quy mô tập trận chung của Mỹ với các đồng minh thân thiết Nhật Bản, Hàn Quốc không giảm mà còn tăng lên.
Mỹ đã bố trí chiến hạm tác chiến duyên hải cực kỳ hiện đại tại Singapore, đàm phán xong với Philippines để sử dụng luân phiên các cơ sở quân sự của nước này, cắm hàng ngàn lính thủy đánh bộ tinh nhuệ và phương tiện phản ứng nhanh tại miền bắc Úc “chiếu tướng” biển Đông... Tổng thống Barack Obama cũng sắp công du châu Á, bao gồm thăm Philippines và Malaysia.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân ở La Hay (Hà Lan), Tổng thống Mỹ chê Nga chỉ là “cường quốc khu vực” liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine.
Phát biểu của ông Obama cho thấy, bất chấp những diễn biến bất ngờ tại Ukraine, ưu tiên chiến lược cao nhất cũng như chính sách tái cân bằng châu Á của Mỹ không hề trật bánh.
Gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị ở La Hay, ông Obama thẳng thắn “nhắc nhở” Trung Quốc cần hành xử có trách nhiệm, giải quyết các tranh chấp phải tuân theo luật pháp quốc tế, không nên có những động thái gây hấn như lập vùng nhận dạng phòng không. Gần đây, phản ứng của Mỹ trước những hành động và đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc đột ngột cứng rắn hẳn lên.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel phê phán “đường lưỡi bò” và yêu cầu Trung Quốc làm rõ đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông. Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris, chỉ trích Trung Quốc “gây mất ổn định” khu vực.
Mỹ công khai ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế... Hàng loạt động thái dồn dập của Mỹ, công khai cũng như âm thầm, khiến nhận định sự kiện Nga sáp nhập Crimea có thể phá hỏng chiến lược “xoay trục” châu Á của Mỹ tỏ ra thiếu cơ sở.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục tranh thủ chinh tây và khiến Pháp mừng rơn khi trút cả “núi tiền” vào nước này. Trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã ký với Pháp tới 50 hợp đồng tổng trị giá khoảng 25 tỷ USD. Hãng Airbus thắng đậm với 60 máy bay chở khách giá 8,5 tỷ USD, chưa kể hợp đồng bán 1.000 trực thăng dân dụng, còn Dongfeng mua đứt 14% cổ phần hãng xe Peugeot… Hèn gì Tổng thống Pháp Francois Hollande mở quốc yến linh đình ở cung điện Versailles chiêu đãi ông Tập. Thăm Đức, Trung Quốc không giấu giếm ý định thiết lập một bàn đạp để tạo đà cho đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền quốc tế.Từ lâu, Trung Quốc lặng lẽ nhưng ồ ạt đầu tư vào hàng loạt quốc gia châu Phi, khai thác năng lượng và tài nguyên thô phục vụ công xưởng thế giới đói khát nguyên nhiên liệu.
Trước khi Ukraine biến loạn, “đồng tiền khôn” đã giúp Trung Quốc mua được vô số công nghệ quân sự tiên tiến bị Nga lắc đầu, còn dự kiến đầu tư hàng chục tỷ đô la Mỹ vào nước này.
Qua chiến dịch tìm kiếm MH370 của Malaysia, Trung Quốc huy động hàng chục tàu, máy bay và hơn 20 vệ tinh, cũng lộ ý phô diễn sức mạnh trỗi dậy của “giấc mộng Trung Hoa”.