NASA tin rằng những đường rãnh sẫm màu dài khoảng 100 mét xuất hiện theo mùa tại nhiều điểm trên bề mặt sao Hỏa đã được hình thành bởi dòng nước mặn chảy xuống các sườn dốc. Hàm lượng muối trong nước đóng vai trò quan trọng bởi thiếu nó, nước sẽ bị đóng băng trong nhiệt độ lạnh giá ở sao Hỏa.
Phát hiện này đến từ việc phân tích những hình ảnh được chụp bởi tàu thăm dò sao hỏa Mars Reconnaissance Orbiter của NASA, làm dấy lên khả năng có sự sống hoặc thậm chí là vi khuẩn trên sao Hỏa.
Nó cũng là cú hích cho các sứ mệnh đến sao Hỏa có người tham gia trong tương lai bởi các phi hành gia không cần mang theo nước nếu có thể dựa vào nguồn nước được tìm thấy trên hành tinh đỏ này.
Hình ảnh chụp những đường rãnh sẫm màu trên bề mặt sao Hỏa. Ảnh: NASA
"Trong số những khám phá khoa học liên quan đến bề mặt sao Hỏa, thì những phát hiện mới nhất này giúp chúng tôi biết rõ hơn về việc sao Hỏa có những nguồn tài nguyên có thể giúp ích cho các chuyến đi trong tương lai" - ông John Grunsfeld, một quan chức NASA, phát biểu tại cuộc họp báo hôm 28-9.
Các nhà nghiên cứu NASA hiện chưa giải thích được nước mặn trên sao Hỏa đến từ đâu dù có đưa ra một số giả thuyết. Đó có thể là băng tan chảy dưới bề mặt, hoặc là kết quả của việc lượng muối dồi dào trong đất sao Hỏa hút nước từ bầu khí quyển, hoặc cũng có thể là chất lỏng sủi lên từ tầng nước ngầm.
Bề mặt sao Hỏa. Ảnh: NASA
"Chúng ta giờ đây biết rằng sao Hỏa từng là một hành tinh rất giống trái đất, với biển có nước mặn và ấm cùng hồ nước ngọt. Nhưng có chuyện gì đó đã xảy ra với sao Hỏa khiến nguồn nước trên đó bị mất" - ông Jim Green, Giám đốc khoa học hành tinh của NASA, cho biết.
Ông Grunsfeld cho biết thêm phát hiện mới càng khiến NASA có thêm quyết tâm đưa người lên sao Hỏa trong tương lai.
Nguồn tin: NLĐ Online