Xác định tầm quan trọng đó, trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm đến lĩnh vực này, xem đây là động lực quan trọng để làm tiền đề trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đề ra. Tuy nhiên, đánh giá mới đây của UBND tỉnh cho thấy, công tác CCHC nhiều địa phương, đơn vị thời gian qua cũng mới chỉ dừng lại ở chiều rộng mà thiếu tính chiều sâu, hiệu quả. Nguyên nhân một phần là do chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt trong vấn đề này.
Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận "một cửa" UBND thị trấn Ea T'ling (Chư Jút). Ảnh: S.V |
Cụ thể, để triển khai một cách đồng bộ, có hiệu quả chương trình CCHC của tỉnh giai đoạn 2011-2015, hàng năm, UBND tỉnh đều xây dựng và ban hành kế hoạch CCHC để chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện.
Trong kế hoạch, ngoài bám sát nội dung, lộ trình đề ra, UBND tỉnh cũng đã chọn một số lĩnh vực mang tính trọng tâm để tăng cường chỉ đạo như nâng cao chất lượng hoạt động cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; nâng cao chất lượng cán bộ trực tiếp thực hiện trong lĩnh vực hành chính công; đẩy mạnh cải cách ở các lĩnh vực thu hút đầu tư, đất đai, tài nguyên môi trường...
Thế nhưng, mặc dù kế hoạch triển khai ở cấp tỉnh thì quyết liệt nhưng khi xuống các đơn vị lại thiếu sự quan tâm, đôn đốc dẫn đến hiệu quả chưa đạt như mong muốn. Theo Sở Nội vụ, để nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ trong bộ máy hành chính từ tỉnh xuống cơ sở, hàng năm, Sở đã phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ liên quan đến chương trình CCHC.
Một thực trạng chung là rất nhiều chương trình, đợt tập huấn, đối tượng trong diện triệu tập tham gia không đầy đủ hoặc có tham gia nhưng không đúng thành phần. Thậm chí, có những lớp tập huấn, danh sách triệu tập trên 70 người nhưng chỉ có khoảng 30 người tham gia.
Nguyên nhân một phần là do bản thân đối tượng thuộc diện tham dự chưa coi trọng việc học tập, nâng cao kiến thức, một phần là do chính lãnh đạo các đơn vị thiếu sự quan tâm trong việc bố trí, tạo điều kiện cho cán bộ học tập nâng cao kiến thức, trình độ.
Không nói đâu xa, qua kiểm tra việc quản lý, sử dụng trang thiết bị, máy móc do tỉnh đầu tư nhằm phục vụ cho công tác CCHC của Sở Nội vụ cho thấy, rất nhiều địa phương sau khi nhận máy móc, trang thiết bị không có phương án bảo quản, duy tu, sửa chữa dẫn đến hỏng hóc, không sử dụng được, gây lãng phí tiền bạc.
Trong lĩnh vực nhân lực, một số lãnh đạo chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của lĩnh vực này nên còn có tư tưởng xem nhẹ, bố trí cán bộ thiếu chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm dẫn đến hiệu quả giải quyết công việc cho người dân chưa cao.
Không chỉ trong lĩnh vực cán bộ, thực tế cho thấy, ở đơn vị, địa phương nào có sự quan tâm, vào cuộc của lãnh đạo, công tác CCHC nơi đó có những chuyển biến tích cực không chỉ cả chiều rộng mà còn ngày càng đi vào chiều sâu.
Điển hình như tại huyện Tuy Đức, mặc dù còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực nhưng huyện đã xác định đầu tư cho CCHC là rất quan trọng, ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao trong công tác lãnh đạo, điều hành, phát triển kinh tế-xã hội. Vì thế, vài năm trở lại đây, huyện đã tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm quản lý tốt giờ giấc, tác phong lề lối làm việc của cán bộ công chức, viên chức, hiệu quả công việc để phục vụ tốt nhất cho cá nhân, tổ chức khi giao dịch hành chính.
Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, trên cơ sở thẩm quyền được giao, huyện luôn quan tâm cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ khi xúc tiến hoạt động đầu tư tại địa bàn. Từ đây, việc chấp hành giờ giấc, tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức UBND huyện ngày một nâng cao; hiệu quả thực hiện nhiệm vụ trên nhiều lĩnh vực đã có những cải thiện vượt bậc.
Đánh giá về công tác CCHC tại cuộc họp gần đây, đồng chí Lê Diễn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Ở đâu, lãnh đạo đơn vị có sự quan tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, giám sát thì công tác CCHC mang lại hiệu quả cao và ngược lại. Vì thế, để nâng cao hiệu quả, chất lượng trong thực hiện chương trình CCHC của tỉnh, vấn đề đầu tiên đặt ra là cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, đặc biệt là người đứng đầu. Có như vậy, mỗi hoạt động, nội dung liên quan đến CCHC của tỉnh triển khai mới được thực hiện một cách đồng bộ, mang lại hiệu quả thiết thực.
Hà An
Nguồn tin: Báo Đăk Nông