Tổng thống Nga Vladimir Putin (trung tâm) chủ trì cuộc họp với các quan chức Nga tại điện Kremlin, thủ đô Moscow, Nga ngày 6.3.2015 - Ảnh: Reuters |
Trong đoạn phim tài liệu “Crimea: Way to Motherland” (tạm dịch: Crimea: Đường về Tổ quốc) phát sóng trên kênh trình quốc gia Nga Rossiya 1 ngày 15.3, ông Putin nói Mỹ đứng sau vụ đảo chính vũ trang ở Ukraine vào năm 2014 và những kẻ tổ chức đảo chính âm mưu ám sát Tổng thống Ukraine lúc bấy giờ là ông Viktor Yanukovych, theo hãng tin TASS (Nga).
“Tôi đã triệu tập những quan chức đứng đầu các cơ quan tình báo, Bộ Quốc phòng và đặt ra một nhiệm vụ cho họ là cứu mạng Tổng thống Ukraine, nếu không thì ông ấy sẽ bị giết”, ông Putin nói.
Từ thủ đô Kiev, ông Yanukovich đến thành phố Kharkiv, sau đó đến Donetsk và gọi điện thoại cầu cứu ông Putin. Tổng thống Putin đề nghị gặp trực tiếp ông Yanukovych tại thành phố Rostov-on-Don, miền nam nước Nga, nhưng máy bay của ông Yanukovych không được phép rời khỏi Donetsk. Sau đó, ông Yanukovich di chuyển đến Crimea và từ đó được đưa đến Nga vào tháng 2.2015.
Ông Putin nói việc giải cứu ông Yanukovych và gia đình của ông là “hành động tốt”.
Theo Reuters, ông Yanukovych bị Quốc hội Ukraine phế truất sau nhiều tháng người dân biểu tình phản đối việc ông quyết định không ký thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) và thay vào đó là thắt chặt quan hệ kinh tế với Nga.
Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) từng đưa ông Yanukovych vào danh sách truy nã quốc tế sau khi chính phủ lâm thời Ukraine buộc tội tham nhũng và nhiều sai phạm khác đối với ông Yanukovych. Nhưng Nga có khả năng phớt lờ bất kỳ đề nghị nào của Kiev về việc dẫn độ ông Yanukovych về Ukraine, Reuters dẫn lại truyền thông Nga.
Chỉ vài tuần sau khi ông
Yanukovych sang Nga, Crimea đã bỏ phiếu ly khai khỏi Ukraine, sáp nhập vào Nga hồi tháng 3.2014 và phe ly khai được cho là thân Nga chiếm nhiều khu vực ở miền đông Ukraine, dẫn đến xung đột kéo dài đến nay, khiến trên 6.000 người thiệt mạng.
Cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych - Ảnh: Reuters |
Ông Putin nói đích thân ông chỉ đạo việc Crimea sáp nhập Nga. “Chúng tôi chưa bao giờ cân nhắc về việc Crimea ly khai Ukraine cho đến khi xảy ra vụ đảo chính. Điều đầu tiên tôi làm là ra lệnh tiến hành một cuộc bỏ phiếu kín. Kết quả cho thấy 75% người dân Ukraine muốn sáp nhập vào Nga”, ông Putin nói.
Và kết quả chính thức của cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 3.2014 cho thấy 96,77 % người dân Crimea ủng hộ sáp nhập với Nga, theo hãng tin TASS (Nga).
“Mục tiêu cuối cùng không phải là nhằm chiếm Crimea. Mục tiêu cuối cùng là nhằm tạo cơ hội cho người dân bày tỏ nguyện vọng của họ”, ông Putin nói về việc Crimea sáp nhập Nga.
Tổng thống Putin cho hay phương Tây đã tìm đủ mọi cách để ngăn cản Crimea sáp nhập Nga, nhưng “không thể làm được”.
Ông Putin cũng hé lộ trong khuôn khổ chiến dịch kiểm soát Crimea, Nga đã triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển di động K-300P Bastion nhằm đối phó với mối đe dọa tấn công từ phương Tây. Ông cũng thừa nhận những người đàn ông trong quân phục không phù hiệu ở Crimea chính là lính Nga có mặt tại Crimea để giúp tiến hành cuộc trưng cầu dân ý.
Khi được hỏi liệu Nga có sẵn sàng trang bị vũ khí hạt nhân ở Crimea nếu cần thiết, ông Putin đáp: “Chúng tôi sẵn sàng làm điều này… Crimea là lãnh thổ lịch sử của chúng tôi. Người Nga sống ở đó. Họ gặp nguy hiểm. Chúng tôi không thể bỏ mặc họ”.
Crimea thuộc về Nga từ thế kỷ 18 cho đến năm 1954 thì được nhập về Ukraine lúc đó thuộc Liên Xô như một “món quà”. Ukraine tuyên bố độc lập sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, theo AFP.
Hiện vẫn chưa rõ cuộc phỏng vấn với ông Putin trong phim tài liệu này được thực hiện khi nào, giữa lúc xuất hiện nhiều thông tin đồn đoán về sự
vắng mặt của ông Putin trong 10 ngày qua.