Tham dự hội thảo, về phía Nga có Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Mikhail Margelov, Viện sỹ thông tấn Vytali Naumkin-Giám đốc Viện Đông Phương học, các đại diện Duma Quốc gia (Hạ viện), Bộ Ngoại giao, Hội đồng an ninh-quốc phòng, lãnh đạo một số viện nghiên cứu và đông đảo chuyên gia, nhà khoa học quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Về phía khách mời quốc tế có các học giả, nhà nghiên cứu quân sự, chính trị, luật biển hàng đầu thế giới đến từ Liên minh châu Âu, Australia, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản....
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo. (Nguồn: website của Viện phương Đông học) |
Phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đối ngoại Bộ Ngoại giao Nga Alekxandr Tokovinin cho biết Nga ủng hộ tìm kiếm các giải pháp cùng chấp nhận được để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông; kêu gọi các bên tranh chấp kiềm chế, không sử dụng vũ lực và giải quyết vấn đề bằng biện pháp chính trị-ngoại giao, dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước về Luật Biển năm 1982.
Trong thông cáo báo chí, lãnh đạo Viện Đông Phương học cho biết vấn đề Biển Đông đang là một trong những đề tài thu hút sự quan tâm lớn của dư luận quốc tế. Các nước trong khu vực tranh chấp đã tiến hành đàm phán trong một thời gian dài, song chưa tìm ra giải pháp khả thi tháo gỡ các bất đồng liên quan vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, quyền đánh bắt hải sản, thăm dò, khai thác dầu khí và tự do hàng hải.
Viện Phương Đông học quyết định tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về an ninh và hợp tác ở Biển Đông nhằm tạo ra một diễn đàn để các nhà chính trị, học giả và các chuyên gia nghiên cứu quốc tế đưa ra ý kiến đánh giá đa chiều về vấn đề Biển Đông dưới góc độ địa lý-chính trị, nguy cơ bất ổn và chạy đua vũ trang ở khu vực, bình diện pháp lý, lịch sử của các tranh chấp ở Biển Đông, khả năng giải quyết các vấn đề hiện nay với hy vọng các tham luận tại hội thảo sẽ góp phần giúp các nước đang có tranh chấp sớm tìm ra biện pháp giải quyết xung đột một cách hòa bình, bền vững và cùng có lợi.
Viện Đông Phương học cũng cho biết, để đảm bảo tính khách quan của các tham luận, viện chủ trương không mời các học giả, nhà nghiên cứu đến từ các nước có tranh chấp ở biển Đông.
Nguồn TTXVN