|
Công nhân Công ty Điện lực Đắk Nông bảo dưỡng các TBA để chuẩn bị cho việc triển khai các dự án cải tạo lưới điện tại khu vực thị xã Gia Nghĩa |
Đơn cử như các dự án, công trình: Dự án năng lượng nông thôn bằng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) cho 193 thôn, buôn, bon của 19 xã, phường; Dự án cấp điện cho 1000 thôn, buôn thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên; Dự án cấp điện cho 20 thôn, bon tỉnh Đắk Nông; Khu trung tâm đô thị Gia Nghĩa; Nhà máy sản xuất gỗ Long Việt (Đắk Song); Khu tái định cư Đắk Nia, giai đoạn II; Khu tái định cư đồi Đắk Nur, giai đoạn I (Gia Nghĩa)…
Với việc đầu tư các dự án trên đã giúp cho các địa phương, nhất là ở những khu vực khó khăn có điều kiện để phát triển về hạ tầng cũng như đời sống văn hóa tinh thần. Chỉ tính riêng trong năm 2013, ngoài việc tiến hành sửa chữa lớn cho 15 công trình điện, với tổng trị giá lên tới gần 7,5 tỷ đồng, ngành Điện cũng đã và đang làm chủ đầu tư nhiều dự án xây dựng mới và cải tạo lưới điện khác như: Cải tạo lưới điện 10kV lên 22kV ở huyện Krông Nô; Công trình hoàn thiện lưới chống quá tải năm 2013; Nâng công suất chống quá tải bổ sung năm 2012; Kết cấu lại lưới điện khu vực Đắk Song khi TBA 110kV đi vào hoạt động…
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các dự án do Ban Quản lý dự án điện nông thôn (thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung) thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Đức và Ngân hàng Phát triển Châu Á. Trong đó, gồm có các dự án tiêu biểu như: Tiểu dự án cải tạo lưới điện trung áp tỉnh Đắk Nông thuộc dự án phân phối hiệu quả (viết tắt là DEP); Dự án thành phần nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn tỉnh Đắk Nông, giai đoạn I và II được vay vốn từ Ngân hàng Tái thiết Đức (viết tắt là KFW). Mục tiêu chính của các dự án này là nhằm nâng cao chất lượng hưởng thụ về điện cho khách hàng ở khu vực nông thôn và xóa những điểm mất an toàn trên lưới điện hạ áp sau khi tiếp nhận từ các hợp tác xã dịch vụ điện nông thôn.
Theo đó, đối với Tiểu dự án DEP được bắt đầu triển khai từ năm 2012- 2015, với tổng mức đầu tư là gần 36 tỷ đồng, hiện tại đã lập xong hồ sơ thiết kế cơ sở và đang triển khai lập thiết kế chi tiết để chuẩn bị cho việc thi công sắp tới. Dự án được thực hiện ngay tại thị xã Gia Nghĩa, sau khi hoàn thành, ngoài việc cải tạo tất cả lưới điện trung áp cho khu vực sẽ còn góp phần đảm bảo mỹ quan cho đô thị, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân. Ngoài ra, dự án còn di chuyển 6 trạm biến áp (TBA) từ vị trí nguy hiểm và không phù hợp với quy hoạch ra khu vực an toàn.
Đối với dự án KFW, giai đoạn I (từ năm 2010-2014) đang được tiến hành thi công tại 3 huyện Đắk R’lấp, Chư Jút và Tuy Đức, với tổng mức đầu tư là trên 81 tỷ đồng. Quy mô dự án gồm: hơn 74km đường dây hạ áp; gần 62km đường dây trung áp; 23 TBA và hơn 4.700 công tơ được lắp đặt mới. Trong giai đoạn II, dự án cũng có tổng vốn đầu tư là gần 85 tỷ đồng, sẽ góp phần cải tạo lại hệ thống lưới điện cũ nát tại các huyện Chư Jút, Đắk R’lấp, Krông Nô và thị xã Gia Nghĩa. Đặc biệt, dự án sẽ thay thế, cải tạo lại toàn bộ lưới điện từ các hợp tác xã dịch vụ điện nông thôn vừa mới được ngành Điện tiếp nhận…
Như vậy, với việc tích cực đầu tư các dự án điện trên, ngành Điện đang phấn đấu đến năm 2017, toàn tỉnh sẽ có 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, góp phần đắc lực cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương,
Bài, ảnh: Lê Dung