Nghệ nhân tài hoa ở xã Nam Dong

Thứ ba - 18/11/2014 08:25 1.418 0
Ông Nông Thanh Hưu (SN 1950) là người dân tộc Tày ở thôn 9, xã Nam Dong (Chư Jút) được mọi người biết đến với biệt danh “nghệ nhân tài hoa”, vì ông vừa biết sử dụng, vừa biết chế tác nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.

Ông Hưu tâm sự, từ nhỏ ông đã có niềm say mê, yêu thích những ca từ của hát then, những giai điệu của tính tẩu. Khi đến tuổi trưởng thành, đã tự tìm tòi, học hỏi cách sử dụng, cách chơi loại âm nhạc dân gian này. Cũng từ sự đam mê ấy, ông đã tham gia vào các đội văn nghệ, các câu lạc bộ tại địa phương và cống hiến hết mình…

Không dừng lại ở đó, ông đã tiếp tục mày mò, học cách chế tác ra đàn tính để phục vụ cho nhu cầu của bản thân và câu lạc bộ, các lớp học văn hóa truyền thống của các em học sinh, những người yêu thích tại địa phương.

Ông Hưu là người chỉ dạy, dẫn dắt câu lạc bộ văn nghệ tại địa phương. Ảnh: Y KRăk

Với sự chuyên tâm và đam mê của mình, đến nay, ông đã có thể sử dụng và chế tác thuần thục những nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là đàn tính. Ông Hưu cho biết, đàn tính trước đây chủ yếu được dùng làm nhạc lễ trong các lễ giải hạn, cầu mùa, cầu tự… Ngày xưa, chiều dài thân đàn tính được đo bằng 9 nắm tay, tùy thuộc vào người đánh đàn tay to hay tay bé mà số đo phù hợp với người đánh đàn. Còn hiện nay, để tạo ra cây đàn tính phải dùng đến loại thước đo “Lỗ Ban” với những thiết lập số đo riêng, tay đàn ứng với số đo, nếu quy ra chiều dài là 42,9 cm.

Trong tâm linh của đồng bào Tày chỉ sử dụng các cung Tài lộc, Trường sinh, Mỹ thuận, Quang lộc và Phúc đức bởi những cung này đều hướng đến những điều may mắn, tốt lành trong cuộc sống. Đàn tính dành cho nam được gọi là tính vỉt (tính bụt) gồm có 2 dây. Còn loại đàn 3 dây dành cho nữ đánh với tên gọi là tính sliên (tính thiên)… Ngoài đàn tính, ông còn có thể chế tác đàn nhị, sáo…

Luôn say sưa, nhiệt tâm truyền dạy những câu hát then, những giai điệu tính tẩu mang hồn cốt của dân tộc mình cho những phụ nữ, cháu bé Tày nơi đây, ông Hưu vẫn không quên nhắc nhở mọi người về niềm tự hào và ý nghĩa sâu sắc của những giai điệu đó… Ý thức được những bài hát then là trí tuệ, là tài sản vô giá của dân tộc mình nên ông Hưu đã dành nhiều thời gian và công sức để sưu tầm, lưu giữ, ghi lại các câu hát ấy để truyền lại cho đời sau.

Bên cạnh đó, ông cẩn trọng và tinh tế chắt lọc sự hiểu biết của mình về lịch sử, về những tinh hoa của văn hóa dân tộc Tày qua từng trang sách, từng lời ca cổ để chuyển hóa và truyền cho lớp trẻ trong thôn như những bài sáng tác kể về nguồn cội, sự tích của cây đàn tính…

Những lúc nông nhàn, ông lại cầm cây đàn tính yêu thích rồi ngâm nga những bài then mà ông đã tự sáng tác, phục vụ nhu cầu trong thời kì mới như ca ngợi vẻ đẹp của Tây Nguyên:

“Nghe câu then trên miền đất đỏ
Cùng mùa xuân hoa cỏ cao nguyên
Én tung bay trời xanh chao liệng
Nơi đất trời hòa quyện trong mơ
Tây Nguyên vẫn từ xưa đẹp thế!
Hương rừng đây lặng lẽ kiêu sa…”

Ông Hưu luôn trân trọng nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Ảnh: H'Mai

Có thể nói, ông là một trong những người giữ “lửa” cho đàn tính – hát then; góp phần không nhỏ đưa loại hình âm nhạc này gần gũi và phát triển hơn trong cộng đồng dân tộc nơi đây. Hành trình lưu giữ và đưa đàn tính – hát then vào cuộc sống thường ngày của ông đã được cộng đồng nơi đây tiếp sức, đưa vào nhà trường giảng dạy.

Những chị em ở câu lạc bộ văn nghệ địa phương như Nông Thị Huyến, Nông Thị Bích… đã cùng ông trở thành “giáo viên” vào những buổi sáng thứ 7 hằng tuần cho lớp học hơn 30 em dân tộc Tày, Nùng, Kinh tại Trường tiểu học Lê Hồng Phong.

Trong thôn hiện nay, hầu hết các gia đình đều có một cây đàn tính treo trang trọng trong nhà do ông Hưu làm ra; phần nào có thể thấy được sức lan tỏa và sự đóng góp của ông cho nền văn hóa của dân tộc. Vào ngày rảnh rỗi, đặc biệt là những khi có dịp biểu diễn văn nghệ, những người lớn tuổi, trung niên trong thôn vẫn tập trung ở nhà ông để cùng hát then, tấu lên những giai điệu vui tươi của đàn tính.

Câu lạc bộ văn nghệ do nghệ nhân Hưu dẫn dắt đã bền bỉ sinh hoạt suốt gần 8 năm qua và đã trở thành niềm tự hào của đồng bào Tày, Nùng nơi đây khi liên tục được đi biểu diễn và giành được những giải thưởng tại các liên hoan dân ca, dân vũ trong toàn quốc.

Với những nỗ lực không ngừng và có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc, ông đã được vinh danh là một trong những người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh và được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giới thiệu làm hồ sơ để tỉnh công nhận “Nghệ nhân ưu tú”.

Hồ Mai

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập120
  • Hôm nay2,961
  • Tháng hiện tại54,331
  • Tổng lượt truy cập41,122,134
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây