Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL thuộc Trường ĐH Cần Thơ, hiện toàn vùng trồng khoảng 41.000 ha xoài các loại với sản lượng tương đương 420.000 tấn. Trong đó, xoài cát Chu, cát Hòa Lộc chiếm gần 40% diện tích và được trồng chủ yếu ở 2 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang.
Rớt giá thê thảm
Ông Phan Hữu Đức (thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết cách nay khoảng 15 ngày, thương lái đến tận vườn mua xoài cát Hòa Lộc với giá dao động từ 22.000-25.000 đồng/kg; xoài cát Chu cũng đứng ở mức từ 13.000-14.000 đồng/kg. Nhiều chủ vựa còn thu mua cả xoài non với cùng mức giá như xoài già để bán lại cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, khi phía Trung Quốc ngừng mua thì giá xoài “rơi tự do”, hiện chỉ còn 4.000 đồng/kg (cát Chu) và 8.000 đồng/kg (cát Hòa Lộc có bao trái). “Năm nay, do thời tiết không thuận lợi nên xoài ra hoa và đậu trái thấp. Trong khi đó, dịch bệnh trên xoài diễn ra nhiều nên nông dân gánh nặng chi phí sản xuất. Nếu giá xoài ổn định ở mức 20.000 đồng/kg thì nhà vườn mới hy vọng có lãi” - ông Đức nói.
Còn ông Lê Thành Nhân, Tổ trưởng Tổ VietGAP (nông nghiệp sạch) xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, đặt vấn đề tại sao các DN không trực tiếp ký hợp đồng với người trồng để giảm bớt chi phí ở các khâu trung gian. Nếu làm được việc này thì nhà vườn không phải chịu cảnh thương lái ép giá giống như lúa gạo. “DN và nông dân phải được gắn kết nhau trong chuỗi giá trị gia tăng để cùng phân chia lợi nhuận. Tại sao chúng ta không tận dụng trái xoài non làm ra sản phẩm dưa xoài phục vụ cho các siêu thị trong nước mà phải bán sang Trung Quốc? Với cách làm như hiện nay thì người trồng còn lỗ dài dài” - ông Nhân lo lắng.
Lo thiếu nguyên liệu
Toàn vùng ĐBSCL hiện có 9 chủ vựa lớn và 7 công ty chuyên xuất khẩu xoài cát Hòa Lộc và xoài cát Chu. Điều nghịch lý là trong lúc xoài rớt giá và khó tìm nơi tiêu thụ thì các DN lại lo thiếu nguyên liệu chế biến.
Ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải (trực thuộc Tổng Công ty Thương Mại Sài Gòn) cho biết các DN đang phân khúc thị trường để tiêu thụ hết lượng xoài trong dân ở cả 3 vụ/năm. Cụ thể, xoài được thu hoạch trong mùa nghịch có lượng đường thấp thì DN xuất sang châu Âu, ngược lại thì chuyển sang Nhật. Tuy nhiên, ông Liêm cho rằng với tập quán ủ trái như hiện nay của nông dân thì không bảo đảm về mẫu mã cũng như chất lượng để xuất khẩu. “Hiện thị trường tiêu thụ trên thế giới còn rất lớn nhưng chúng tôi không có đủ nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Do đó giữa nông dân và DN phải có hợp đồng bao tiêu chặt chẽ nhằm tránh tình trạng có cầu mà lại thiếu cung” - ông Liêm chia sẻ.
Ông Phan Quốc Nam, chủ DN chuyên sản xuất xoài đông lạnh ở tỉnh Tiền Giang, nuối tiếc: “Sản lượng xoài hiện nay vẫn chưa đủ so với nhu cầu xuất khẩu. Thế nhưng, việc nhà vườn hái hết cả xoài già lẫn xoài non bán cho thương lái để xuất sang Trung Quốc như thời gian qua sẽ làm nhiều DN lâm vào cảnh thiếu nguyên liệu trầm trọng. Thậm chí có nhiều DN, chủ vựa đã cố năn nỉ mà người trồng vẫn hái xoài non để bán. Trong đó, trái xoài cát Chu đang được thị trường ưa chuộng và có thể vượt qua cả xoài Thái Lan nhưng cũng nằm trong tình trạng chung này”.
Phải giảm lệ thuộc vào Trung Quốc
PGS-TS Võ Thị Thanh Lộc, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, cho biết việc sản xuất và tiêu thụ xoài hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Mục tiêu đặt ra là giảm lệ thuộc vào Trung Quốc vì thị trường này hiện chiếm hơn 34% sản lượng xoài xuất khẩu. Do đó, cần khai thác tối đa thị trường nội địa, nhất là tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng như xoài sấy dẻo và nước ép xoài.
Nguồn tin: NLĐ Online