Sau vụ cháy, sau gần hai ngày len lỏi trong xóm lao động nghèo này, chúng tôi mới thấy hết được "tình người Sài Gòn hào hiệp, phong trần".
Giúp nhau bất kể
Ngay sau vụ cháy, đám đàn ông trai tráng ở đây ai cũng ướt nhẹp. Đôi chân phải đi cà nhắc vì giẫm trúng lửa, có người còn bỏng cả môi khi cùng nhau chạy ra, xúm vào phụ dập lửa, khiêng đồ đạc.
Với người dân ở khu chợ Gà gần cầu Ông Lãnh này, họ vẫn còn nguyên đó kí ức về những lần… chạy cháy. Thế nên, từ già đến trẻ, gần như ai cũng có ý thức phải giúp đỡ, cùng nhau chống chọi với “giặc lửa”.
Phụ nhau khiêng đồ, giúp nhau chạy cháy - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
“Tui sinh ra và lớn lên ở đây. Từ hồi 9 tuổi đã phải ẵm đứa em trai 1 tuổi chạy cháy rồi. Nhớ không nhầm lúc đó là năm 1956. Khi ấy, ba tui cứ nghĩ 2 đứa con đã chết, cũng may, tui và em được người dân cứu được. Khu chợ này cứ lâu lâu lại cháy, nên nhắc “chợ cháy”, dân Sài Gòn đều biết là khu chợ Ông Lãnh”, bà Nguyễn Thị Bé (70 tuổi), cách dãy nhà bị cháy đúng 8 căn, nhớ lại.
Bà Bé kể: “Lúc đó, đứa con gái của tui ẵm thằng cháu mới 3 tuổi, xong dẫn tui ra ngoài đường rồi chạy tuốt vào đám cháy phụ giúp người ta. Nó làm miết cho đến khi lực lượng chữa cháy không cho vào nữa mới trở ra”.
Cả khu phố tối mịt, thế những trong hoạn nạn, người Sài Gòn luôn “hào hiệp”, giúp đỡ lẫn nhau - Ảnh: Trác Rin |
Miệng đang húp vội tô cháo, anh Tùng, nhà kế dãy nhà cháy, vẫn chưa hết bàng hoàng: “Hồi chiều, khi đang đi giao cá cho khách thì mẹ tui hốt hoảng gọi điện bảo ở gần nhà có cháy. Tui phóng xe như điên, về nhà liền vội cùng đám đàn ông xông vào chữa cháy. Nói thiệt, lúc đó tui chả suy nghĩ gì nhiều, cứ bất chấp để vào phụ cứu người, cứu tài sản thôi”.
“Tui làm nghề nuôi cá kiểng, cúp điện từ hồi chiều không biết đám cá có bị sao không nữa. Nãy giờ phụ dập lửa nên quên luôn, để ăn xong tô cháo, tui sang nhà kế bên nối dây điện để truyền oxy cho cá. Loạng choạng là mất hết, cả mấy chục triệu chứ chẳng chơi…”, anh Tùng sực nhớ.
Với người Sài Gòn, họ luôn giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, dù đó là chút sức lực bé xíu, hay hộp cơm nhỏ - Ảnh: Trác Rin |
Của ít, lòng nhiều
Hôm đầu tiên, cả dãy phố ở khu chợ Ông Lãnh tối mịt vì cúp điện. Nhiều phụ nữ ứa nước mắt vì nhà cửa đã cháy hết, những người đàn ông trong nhà cũng suýt xoa ngồi khóc ngon lành. Trong sự đau buồn đó, hàng xóm, láng giềng thì đem ghế, võng ra ngoài vỉa hè ngồi trò chuyện, động viên, an ủi những người không may.
Đã từng buôn bán, gắn bó ở khu chợ Ông Lãnh mấy chục năm qua, cô Lê Thị Ánh Tuyết (ngụ đường Đề Thám, quận 1), lòng cứ đau nhói khi nơi xóm cũ gặp nạn. “Khi hay tin, tôi bỏ luôn việc buôn bán ở nhà để chạy xuống. Buồn, thương bà con mình lắm… Tôi là đàn bà phụ nữ, sức yếu nên không phụ dập lửa được. Thấy mọi người mệt, đuối sức nên tôi lật đật đi mua 100 hộp cơm để tiếp chút sức lực”.
Những nỗi đau được san sẻ - Ảnh: ĐNT |
“Của ít, lòng thì nhiều lắm, chú à. Hai bữa nay tôi cứ trằn trọc, lo nghĩ cho số phận của mấy người hàng xóm nghèo. Tôi lên phường ủng hộ 20 triệu để họ hỗ trợ cho những nhà bị cháy. Biết bấy nhiêu đó cũng không hề hấn gì, nhưng tôi chỉ mong sao bà con mình cùng cố gắng, vượt qua khó khăn trong cuộc đời”, cô Tuyết tâm tư.
Giữa phố thị trung tâm Sài Gòn, nhìn những ngọn đèn thắp lên ở mấy sạp hàng trong khu chợ sao thật đìu hiu. Ngọn đèn cứ leo lét như đời lao động nghèo quần quật nơi đây. May mà giữa hoạn nạn, người Sài Gòn vẫn chở che, tương trợ nhau để cái tình ấy cứ sáng mãi.
Trác Rin - Hoài Nhơn