Những tư tưởng lớn thường rất cô đọng và đạt được cách diễn đạt giản dị là đỉnh cao của trí tuệ uyên bác. Di chúc của Bác Hồ mà Người khiêm tốn gọi là “để sẵn mấy lời” gói gọn chỉ vài trang, được đọc được nghe ai cũng hiểu, chan chứa muôn vàn tình thương yêu gửi người ở lại mà bao quát nội dung rộng lớn có giá trị chỉ đạo chiến lược xây dựng đất nước cho hôm nay và cả mai sau.
Trong Di chúc, phần nói về Đảng chỉ hơn 10 dòng nhưng chứa đựng nhiều vấn đề quan trọng. Ví dụ, Bác khẳng định Đảng ta là một Đảng cầm quyền nhưng chúng ta không nghiên cứu thấu hiểu để làm theo dẫn đến vướng mắc, lúng túng kéo dài cả về pháp lý và thực tiễn lãnh đạo, điều hành việc Đảng, việc nước.
Cái mới lạ là Bác đưa ra một chủ nghĩa Mác-Lênin Việt Nam khi Người nói: “Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có nghĩa. Từ khi có Đảng ta lãnh đạo, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà. Biết chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình nghĩa, sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin”. Chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp với giá trị đạo đức truyền thống dân tộc Việt Nam, hội nhập với giá trị thời đại, nâng nhân cách Việt Nam lên tầng cao mới, đồng thời làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin có tâm hồn, thành tình cảm cao đẹp, không còn là lý luận khô khan mà thấm đượm nhân văn.
Giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên là vấn đề được Bác quan tâm suốt quá trình xây dựng Đảng. Đường kách mệnh, tập hợp các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc được xuất bản năm 1927, lần đầu tiên trình bày có hệ thống về con đường cách mạng Việt Nam. Khác với các giáo khoa về chủ nghĩa cộng sản của nước ngoài, ngay phần mở đầu, Nguyễn Ái Quốc nói về “Tư cách một người kách mệnh”. Những phẩm chất này, tuy có một vài yếu tố mới như cách mạng, đoàn thể nhưng hầu hết là những phẩm chất về nhân cách, đạo đức rất quen thuộc trong truyền thống văn hóa dân tộc, như: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại. Vị công vong tư. Ít lòng tham muốn về vật chất…
Nhiều phẩm chất có giá trị bền vững được Bác mở rộng, nâng cao: trung không còn là trung với vua mà là trung với nước, với Tổ quốc Việt Nam; hiếu không chỉ là hiếu với cha mẹ mà “Hiếu là hiếu với nhân dân, ta thương cha mẹ ta mà còn phải thương cha mẹ người, phải làm cho mọi người đều phải biết thương cha mẹ”… Phẩm chất đạo đức cán bộ, đảng viên có nhiều nội dung nhưng tựu trung gồm 4 yêu cầu cơ bản, một là cần, kiệm, liêm, chính; hai là chí công, vô tư; ba là lo trước, vui sau; bốn là làm đày tớ nhân dân lao động.
Từ tác phẩm đầu cho đến Di chúc, Bác thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải chăm lo rèn luyện giữ vững đạo đức cách mạng. Vì sao? Vì “cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nước thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Và “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Hồ Chủ tịch được UNESCO vinh danh là Anh hùng giải phóng dân tộc và khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết tinh các truyền thống văn hóa trải qua mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam”, “những lý tưởng của Người là hiện thân những khát vọng của nhân dân các nước trong việc khẳng định diện mạo văn hóa của mình”.
Trong tình hình hiện nay, khi con - người - kinh - tế đang ngự trị làm cho con - người - văn - hóa suy thoái, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là cần thiết và cấp bách mà có ý nghĩa sống còn. Giữ được đạo đức mới giữ được nhân cách Việt Nam. Giữ được văn hóa mới giữ được sức sống Việt Nam.
Nguồn tin: NLĐ Online