|
Bà Ngọ (trái) suốt 27 năm chăm sóc bà Nhu |
Cưới vợ cho chồng Năm 1980, khi còn ở huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), chị Nông Thị Nhu kết hôn với anh Lương Văn Chắn. Đến năm 1986, vợ chồng anh chị Chắn, Nhu sinh được một đứa con gái đầu lòng. Tuy nhiên, sau khi sinh con được khoảng hơn 1 tháng thì chị Nhu bị tai biến, liệt toàn thân; từ đó, chỉ nằm một chỗ và mọi sinh hoạt cá nhân đều phải dựa vào người khác. Thấy hoàn cảnh thương tâm, chị Ngọ (lúc bấy giờ mới tròn 20 tuổi) là hàng xóm, đã tự nguyện ngày ngày sang phụ giúp anh Chắn chăm sóc cho chị Nhu.
Mặc dù nằm liệt giường, nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn, nên hiểu được nỗi khổ tâm của chồng và vì thương chồng, chị Nhu đã “bật đèn xanh” trước, chủ động bàn chuyện và thuyết phục anh Chắn lấy chị Ngọ làm vợ. Chính chị Nhu cũng vận động cả gia đình chồng, gia đình chị và gia đình chị Ngọ cùng vào cuộc.
Tuy được sự nhất trí cao của 3 gia đình, nhưng ban đầu chị Ngọ vẫn ngại sợ làm chị Nhu đau khổ, và nhất là sự dị nghị của dư luận… nên phải gần 2 năm sau, chị Ngọ và anh Chắn mới chính thức trở thành vợ chồng và được pháp luật công nhận.
Nuôi vợ của chồng Kể từ khi về làm vợ anh Chắn, chị Ngọ càng dành nhiều thời gian, tình cảm và vật chất để chăm sóc chị Nhu. Do hoàn cảnh khó khăn, nên năm 1992, anh Chắn quyết định đưa cả gia đình vào Đắk D’rông sinh sống, lập nghiệp. Khi đó, gia đình và người thân chị Nhu đều muốn giữ chị Nhu ở lại. Thế nhưng, chị Ngọ đã nhất quyết đưa chị Nhu đi theo và cam đoan là sẽ chăm sóc, nuôi nấng chị Nhu một cách tốt nhất.
Tại nơi ở mới, cuộc sống của gia đình anh chị Chắn, Ngọ đã gặp vô vàn khó khăn, cả hai vợ chồng chị đều phải đi làm thuê, cuốc mướn để nuôi sống gia đình. Mặc dù vậy, chị Nhu vẫn được chăm sóc một cách tốt nhất, cơm nước, thuốc thang đầy đủ.
Đến năm 1999, lại thêm một “gánh nặng” khác đè lên vai chị Ngọ khi đến lượt anh Chắn bị tai biến và nằm liệt giường. Cũng kể từ đó, một tay chị Ngọ làm lụng để nuôi chồng, con và người “vợ cả” tật nguyền. Đặc biệt kể từ năm 2003, sau khi anh Chắn qua đời, chị Ngọ vẫn tiếp tục hành trình gian khổ là chăm sóc, nuôi nấng chị Nhu.
Hiện nay, mặc dù con gái của bà Nhu đã trưởng thành và lập gia đình, nhưng bà Nhu vẫn sống cùng bà Ngọ chứ không đến ở với con gái. Lý giải về điều này, bà Nhu cho biết: “Con gái cũng rất tốt, nhưng tôi cảm thấy trên đời này không có ai tốt với tôi hơn bà Ngọ. Bà ấy là một phần của cuộc đời tôi và dù nghèo khổ đến mấy thì tôi cũng không muốn phải xa cách bà ấy”.
Còn bà Ngọ cũng tâm sự: “Kể từ ngày “bước chân” vào gia đình bà Nhu cho đến nay, tôi luôn phải hứng chịu nhiều sự vất vả, cực nhọc, khổ đau, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy ân hận vì những gì mình đã chọn. Thậm chí, nếu được lựa chọn lại từ đầu thì tôi cũng không thay đổi quyết định của mình”.
Trong quá trình tìm hiểu về “câu chuyện cổ tích” của bà Ngọ, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Đình, Thôn phó thôn 3, xã Đắk D’rông cho biết, ngày nào cũng vậy, bà Ngọ phải thức dậy từ khoảng 4 giờ sáng để giặt giũ, làm vệ sinh cá nhân giúp “vợ cả”, sau đó lo bữa ăn sáng cho cả gia đình rồi mới đi làm. Buổi trưa, dù đi xa hay có việc gì bận bịu, bà Ngọ cũng tranh thủ về để chăm sóc cho bà Nhu. Hiện tại, gia đình bà Ngọ là một trong những hộ dân nghèo nhất trên địa bàn.
Trong số 2 người con trai của bà Ngọ thì có một người đã lập gia đình ở xa, người còn lại cũng thường xuyên đi làm ăn ở các địa phương khác. Do đó, hàng ngày chỉ có bà Ngọ lo toan cuộc sống và chăm sóc bà Nhu. Dù vất vả, cực nhọc là vậy, nhưng chưa bao giờ nghe thấy bà Ngọ to tiếng, cáu gắt hay thể hiện sự ngược đãi đối với bà Nhu.
Ông Trần Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Đắk D’rông cho biết: Người dân địa phương rất khâm phục đức tính chịu thương, chịu khó, lòng thương người của bà Ngọ. Chính quyền, đoàn thể và bà con xóm giềng đã nhiều lần tổ chức hỗ trợ gia đình bà Ngọ cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng trên thực tế, cuộc sống của hai người phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt éo le này vẫn còn hết sức khó khăn, rất cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng.
Bài, ảnh: Ngàn Sâu