Để làm rõ câu hỏi “vì sao không sử dụng số CMND 9 số làm số định danh cá nhân?”, Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) - cho biết: Thứ nhất, khi công dân chuyển hộ khẩu, hoặc thay đổi địa chỉ thường trú từ tỉnh này tới tỉnh khác sẽ phải cấp lại CMND (2 số đầu CMND quy định cấp tỉnh), vì vậy sẽ dẫn đến một công dân có thể có nhiều hơn 1 CMND (trong các năm 1999 – 2013 có đến 421.999 trường hợp có từ 2-3 CMND trở lên). Thứ hai, để quản lý công dân từ lúc sinh đến khi chết đi, đòi hỏi mã số cá nhân cấp cho công dân phải là duy nhất và chỉ gán cho một công dân nhất định từ lúc sinh ra đến khi công dân chết đi. Thứ ba, mã tỉnh, thành phố nơi đăng ký thường trú của công dân nếu quy định 2 số chỉ đáp ứng đủ yêu cầu của 63 tỉnh, thành phố, nhưng không đảm bảo đủ mã số để cấp cho công dân Việt Nam sinh ra ở nước ngoài (gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ).

Đại diện Bộ Công an cũng nêu rõ, bộ không trình Chính phủ dừng cấp CMND 12 số để chờ Luật Căn cước công dân ban hành, vì theo dự kiến Luật Căn cước công dân đến ngày 1.1.2016 mới có hiệu lực, trong khi đó nhu cầu cấp CMND của công dân là nhu cầu thường xuyên, liên tục. Cả hai loại CMND hiện hữu đều tiếp tục có hiệu lực.