Người lái xe cho 2 đời nguyên thủ

Thứ năm - 27/06/2013 07:54 1.043 0
Cụ là Nguyễn Văn Mùi, năm nay đã 82 tuổi. Dáng người quắc thước, giọng nói trầm ấm và đôi mắt tinh anh toát ra vẻ điềm tĩnh, mẫu mực. Cụ Mùi đã từng có 20 năm lái xe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Bên tách trà nóng, ký ức về những ngày tháng lái xe cho hai nguyên thủ quốc gia cứ hiện về trong ông mồn một.

 

Từ thợ đúc tiền tới tài xế “top ten”

Cụ Mùi vốn là người xã Tân Dân (nay là xã Xuân Hùng, Xuân Trường, Nam Định). Năm 1948, cụ tham gia du kích địa phương, khi ấy mới 17 tuổi. Trong một lần giặc Pháp vây ráp xóm làng, giết người cướp của, cụ cùng đồng đội phải chạy sang Thái Bình lẩn trốn. Thấy tình hình có vẻ yên ắng trở lại, ông định quay về gây dựng lại lực lượng du kích địa phương nhưng không được đồng đội chấp nhận vì rất nguy hiểm. Rồi mọi người bàn nhau tìm đường lên Chiến khu Việt Bắc “nuôi chí bền” vào giữa năm 1949. “Hơn một tuần đi bộ, tôi cũng lên tới Việt Bắc, không ngờ gặp lại người anh của mình và được nhận vào làm ở xưởng đúc tiền. Sau chiến dịch Biên giới 1950, Chính phủ ta chuyển sang tiêu tiền giấy nên tôi được chuyển sang làm ở kho thóc, chuyên sửa chữa máy xay thóc. Năm 1952, Ban kiểm tra 12 cần người làm vận tải cho cách mạng thì tôi được giới thiệu sang, chính thức bước vào ngành Vận tải”, cụ Mùi nhớ lại.

Với sự cần cù, ham học hỏi, người thanh niên trẻ Nguyễn Văn Mùi từ một thợ sửa chữa ô tô sang “làm bạn” với vô lăng. Ngày ấy, xăng rất hiếm nên những người làm công tác vận tải ở Việt Bắc đã ứng dụng “công nghệ” xe chạy bằng than củi trong vận chuyển hàng hóa, lương thực, đạn dược. Những ngày đầu sau tay lái, cụ tự mày mò tìm hiểu các thiết bị trên xe, rồi học kỹ năng lái xe trên những đoạn đường đèo dốc, cua gấp... Sau mỗi ngày lái xe trên từng cung đường khó, tài xế Mùi ghi lại những kinh nghiệm rút ra vào cuốn sổ nhỏ trước khi đi ngủ. Tích lũy mỗi ngày, cụ thuộc như nằm lòng từng khúc cua, đoạn đường hẹp, trơn trượt hay lối đi tắt trong rừng. Tay lái ngày một thành thạo, cụ dần khẳng định “thương hiệu” nơi núi rừng Việt Bắc.

 - 1

Cụ Mùi bên cạnh chiếc Pô-bê-đa mà cụ từng gắn bó suốt hơn 9 năm lái xe phục vụ Bác Hồ

Năm 1954, cụ Mùi rong ruổi khắp các tuyến vận tải suốt thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ. Chở gạo, muối, thuốc men từ Tuyên Quang qua Yên Bái sang Sơn La, leo đèo Tả Khoa, vượt đèo Cò Nòi... Cụ không nhớ nổi bao nhiêu ngày đêm ròng rã bám vô lăng trên từng cây số, rồi cả những lần chết hụt khi xe vừa đổ đèo gặp máy bay địch bắn phá. “Nhưng mà tôi chẳng sợ gì. Bà con rồng rắn đi chuyển hàng hóa, đạn dược ra mặt trận đông vui như trẩy hội. Giờ nghĩ lại, tôi cũng không hiểu sao ngày ấy ăn thì đói, ngủ thì ít mà sao lại dẻo dai, quyết tâm xông pha, dũng cảm đến thế. Có lẽ nhờ tinh thần yêu nước, đồng lòng của hàng triệu nhân dân quyết hy sinh tất cả để giành độc lập”- cụ Mùi chia sẻ.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tài xế Mùi lọt vào “mắt xanh” của cấp trên khi được giao nhiệm vụ chuyên chở các cố vấn cấp cao cho tới ngày về tiếp quản Thủ đô. Cụ Mùi còn nhớ ngày Bác Hồ ghé thăm Đền Hùng, Phú Thọ và có câu nói nổi tiếng với các chiến sỹ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói ấy khiến những người trong đoàn vô cùng xúc động. Người tài xế đất Thành Nam tâm niệm phải lái xe thật tốt, an toàn để góp phần vào sự nghiệp chung của dân tộc.
 
Theo gương Bác!

Đến giờ cụ vẫn không thể quên được ngày đầu tiên lái xe cho Bác Hồ - ngày 5/3/1961. Hôm ấy, sau khi giới thiệu về mình, tài xế Mùi bất ngờ nhận được câu hỏi vui của Bác: “Chú lái xe đã đâm chết người chưa?”. Câu hỏi đùa, nhưng rất đời thường ấy đã khiến cụ Mùi ý thức được trách nhiệm nặng nề của người lái xe không chỉ đối với Bác mà còn với cộng đồng. Vì vậy, cụ đã không ngừng học hỏi, trau dồi từng ngày, không chỉ là kỹ năng lái xe mà còn rèn luyện cả phẩm chất, đạo đức cách mạng.

 - 2

Cụ Nguyễn Văn Mùi

Mỗi chuyến đi cùng lãnh tụ, nhìn từng hành động, nghe từng câu nói của Bác, cụ Mùi đều học được ở đó đức tính giản dị, khiêm nhường và ân cần. Để lái xe an toàn, sự bình tĩnh, cẩn trọng là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, mỗi buổi sáng, cụ tỉ mẩn lau chiếc xe Pô-bê-đa sạch bóng và kiểm tra lại động cơ, thiết bị trên xe. Điều này không chỉ giúp bảo quản xe thật tốt mà còn là cách cụ rèn luyện sự kiên trì, nhẫn nại trong cuộc sống. Nói về sự giản dị, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Mùi chia sẻ: “Ngày ấy, tôi được giao lái chiếc Pô-bê-đa do Liên Xô (cũ) sản xuất để chở Bác Hồ đi công vụ. Liên Xô (cũ) có tặng một chiếc xe Zít-nanh-đơ, xe này rất sang trọng, có cả kính chắn đạn. Tuy nhiên, Bác không thường xuyên đi xe này vì xe to quá”.

Có một điều tôi luôn trăn trở đó chính là tình hình TNGT hiện nay. Tôi cho rằng, dù cơ sở hạ tầng, đường sá ở nước ta còn nhiều khó khăn nhưng việc mất an toàn khi đi đường có một phần do ý thức kém của người tham gia giao thông. Vì vậy, mỗi người cần có văn hóa khi lái xe, đó không chỉ là sự nhường đường, đi chậm lại một chút mà còn biết giúp đỡ lẫn nhau khi có rủi ro xảy ra”.


Trong dòng hồi ức của mình, cụ Mùi thi thoảng lại “à” lên một tiếng vì lại nhớ thêm những câu chuyện nho nhỏ về Bác Hồ. Tuần trà cũng cạn. Hết nước nóng, cụ Mùi đi đun nước pha trà. Nói về chuyện sử dụng nước sạch, ông kể: “Tôi còn nhớ có một hôm anh Kỳ là một trong tám cận vệ được Bác đặt tên đang gội đầu ở sân. Trong khi anh đang vò xà phòng thì vòi nước vẫn cứ chảy. Bác đi qua thấy vậy liền nhắc nhở: “Chú chưa dùng tới nước thì phải khóa vòi đi chứ, để như thế lãng phí quá”. Bác rất cẩn thận, chú ý từ hành động nhỏ nhất như thế đấy”.
Những ngày cuối đời, dù sức khỏe đã yếu nhưng Bác Hồ vẫn đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cụ Mùi là lái xe trong chuyến đi có lẽ là cuối cùng của Bác trước khi Người nhắm mắt xuôi tay. Cụ bộc bạch rằng, gần 10 năm lái xe cho Bác, cái được hơn nhất với cụ là học những điều hay lẽ phải từ vị lãnh tụ vĩ đại.
 
Ngồi lên xe là không chủ quan

Sau ngày Bác mất, cụ Nguyễn Văn Mùi được Văn phòng Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ lái xe cho Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. “Trong thời gian lái xe cho Bác Hồ, tôi không để xảy ra bất cứ một va chạm, sai sót nào trên đường. Đó là một điều tôi rất tự hào, tin vào tay lái của mình, nhưng không vì thế mà cho phép mình được chủ quan. Mỗi lần ngồi lên xe đều phải chú ý quan sát để mỗi chuyến đi đều thượng lộ bình an”, cụ Mùi chia sẻ.

Thời gian lái xe cho Bác Tôn, cụ Mùi cảm nhận được sự bình dân, gần gũi với đồng bào của vị Chủ tịch nước. Năm 1980, Chủ tịch Tôn Đức Thắng mất, cụ Mùi được giao lái xe cho các vị lãnh đạo cấp cao khác. Suốt 3 năm (từ 1989-1991), cụ được cử đi lái xe cho ông Nguyễn Nhạc là Phó đại diện thường trực của Việt Nam tại Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV).

Hiện giờ, vợ chồng cụ Mùi đang sống cùng gia đình người con trai tại khu tập thể Văn phòng Chính phủ ở ngõ 4, phố Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội. Phía cuối nhà, cụ tự thiết kế một hồ nước nhỏ xíu để nuôi cá vàng và chăm chục giò phong lan. Thi thoảng, cụ vẫn đạp xe đi thăm bạn bè, người thân, một thú vui lúc tuổi già.
 

Theo Ngọc Khánh (Giaothongvantai.com.vn)

Nguồn tin: giaothongvantai

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập33
  • Hôm nay5,833
  • Tháng hiện tại55,429
  • Tổng lượt truy cập41,236,030
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây