Người lao động còn “thờ ơ” với bệnh nghề nghiệp

Thứ tư - 11/05/2016 04:34 723 0
Hiện nay, nhiều người lao động trên địa bàn tỉnh vẫn chưa mấy quan tâm tới việc bảo vệ sức khỏe cũng như phòng chống bệnh nghề nghiệp cho bản thân mình. Về phía đơn vị sử dụng lao động, họ cũng chưa quyết liệt trong việc tuyên truyền và thực hiện nghiêm vấn đề này.

Làm việc trong môi trường có nhiều bụi silíc và tiếng ồn, nhưng công nhân ít khi trang bị đầy đủ bảo hộ lao động để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân

Làm việc tại Công ty TNHH MTV Thạch Lợi (Đắk Mil) được gần 4 năm, công việc hằng ngày của anh Phạm Gia Nho là điều khiển các máy móc, thiết bị tại bộ phận xay đá, nơi được xem có nhiều tiếng ồn, mạt dăm và tiềm ẩn các nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp nhất trong tất cả các công đoạn của nhà máy. Tuy nhiên, việc trang bị bảo hộ để bảo vệ sức khỏe lại chưa được anh duy trì và thực hiện thường xuyên, đầy đủ.

Anh Nho cho biết: “Qua việc tuyên truyền của doanh nghiệp và tìm hiểu của bản thân, tôi cũng biết được làm việc ở mỏ đá có rất nhiều bụi silíc, ảnh hưởng lớn tới phổi, xoang, mắt, mũi và tai. Doanh nghiệp cũng đã trang bị bảo hộ lao động đầy đủ để mỗi công nhân tự bảo vệ sức khỏe cho mình. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, tôi cũng chỉ đeo được mỗi khẩu trang, bao tay, đi giày và quần áo bảo hộ. Còn kính thì tôi đeo được một thời gian ngắn là bị choáng mắt, bịt bao tai thì bị ù nên bỏ hết”.

Không riêng gì anh Nho, mà nhiều công nhân khác tại Công ty TNHH MTV Nam Phương Đắk Nông (Gia Nghĩa) cũng đang rất chủ quan trong bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình. Tại xưởng cơ khí của công ty, các công nhân làm công việc liên quan tới yếu tố độc hại như sơn, mài sắt, hàn xì… nhưng họ lại chỉ trang bị cho mình được bộ quần áo bảo hộ và may mắn lắm là thêm đôi bao tay, cái kính, mặc dù những phương tiện bảo vệ đã được doanh nghiệp cấp khá đầy đủ.

Anh Đinh Văn Ngọc, công nhân Công ty nói: “Tôi biết, nghề cơ khí có tác hại lớn đối với mắt, tai và phổi. Công ty cũng đã tuyên truyền, nhắc nhở cũng như trang bị đầy đủ về giày dép, khẩu trang, bịt tai, nhưng trong quá trình làm việc, tôi thấy nóng và vướng víu quá nên ít thực hiện”…

Được biết, trong thời gian qua, nhờ được các ngành chức năng thường xuyên thanh, kiểm tra nên nhận thức và hành động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về vấn đề an toàn vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhưng theo các doanh nghiệp thì việc có thực hiện bảo hộ lao động hay không còn phụ thuộc vào ý thức người lao động.

Bà Nguyễn Thị Thu Anh, quản lý cửa hàng xăng dầu của Công ty TNHH MTV Kiến Tạo, thị trấn Đức An (Đắk Song) chia sẻ: “Doanh nghiệp đã trang bị đầy đủ các bảo hộ lao động cho công nhân, nhưng nhắc nhở hoài, người thì bảo không tiện khi thao tác, người thì quên mang theo nên cũng chỉ biết vậy. Về khám sức khỏe định kỳ và phòng chống bệnh nghề nghiệp, hằng năm, đơn vị có hỗ trợ 2 triệu đồng/người để anh em tự đi khám và cũng chưa thấy phát hiện ra bệnh nan y, bệnh nghề nghiệp. Vì thế, anh em công nhân, nhất là bộ phận bán hàng- trực tiếp tiếp xúc với xăng dầu vẫn còn chủ quan, không cẩn thận trong quá trình làm việc”.

Theo ông Nguyễn Đức Tiến, Phụ trách Khoa Sức khỏe nghề nghiệp, Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế) thì toàn tỉnh hiện có hơn 1.900 doanh nghiệp tham gia hoạt động, nhưng, trong năm 2015, mới chỉ có chưa đến 5% trong số đó đăng ký, tổ chức khám sức khỏe định kỳ và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Nguyên nhân ở đây một phần là do liên quan tới kinh phí, một phần là vì người lao động chưa hiểu và chưa đòi hỏi quyền lợi của mình đối với doanh nghiệp. Một số nơi quan tâm thì người lao động lại quá thờ ơ, mặc dù họ biết khá rõ mức độ nguy hiểm đối với sức khỏe khi làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại… Vì vậy, trong năm 2016, để hướng dẫn các doanh nghiệp về phương pháp phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động, đơn vị sẽ tập trung tổ chức truyền thông rộng rãi cho các cơ sở trên địa bàn tỉnh thông qua việc xây dựng các pa nô, áp phích.

Việc đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cũng như bổ sung các máy móc để thực hiện khám sức khỏe định kỳ và bệnh nghề nghiệp cũng sẽ được ngành quan tâm hơn nữa nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám bệnh tại chỗ. Ngoài ra, hàng năm, đơn vị có phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động, nếu cơ sở lao động nào không chấp hành sẽ có biện pháp xử phạt nghiêm khắc.

Bài, ảnh: Lê Dung

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập78
  • Hôm nay1,864
  • Tháng hiện tại49,362
  • Tổng lượt truy cập41,229,963
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây