Một khu lều trại bất hợp pháp do người nhập cư dựng lên ở ngoại ô Stockholm, Thụy Điển - Ảnh: Reuters |
Cuộc gặp giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande là bằng chứng mới nhất cho thấy EU bị động đối phó và bế tắc giải pháp như thế nào.
Cái gọi là “Trục Berlin - Paris” này đã thể hiện vai trò và giá trị đối với EU trong việc xử lý cuộc khủng hoảng chính trị an ninh ở Ukraine và khủng hoảng tài chính, nợ công ở Hy Lạp. Bây giờ, hai nước này lại tận dụng cơ hội để thể hiện vai trò không chỉ dẫn dắt mà còn cả giải cứu EU. Chỉ có điều là vấn đề tị nạn nan giải gấp bội lần so với cả hai chuyện nói trên.
Từ khá nhiều tháng nay, các nước thành viên EU không nhất trí được với nhau về việc tiếp nhận số người tị nạn để gánh nặng về tài chính và xã hội không đổ dồn xuống một vài thành viên. Cho nên hiện tại chẳng khác gì “quân hồi vô lệnh” khi từng thành viên tự chấp nhận lấy số người tị nạn.
Cuộc khủng hoảng này thách thức khả năng quản lý và điều phối của Ủy ban EU trong tư cách là cơ quan hành pháp cao nhất của EU nói chung. Ủy ban EU dường như đã bị mất uy quyền trước các quốc gia thành viên hoặc đã bất lực. EU còn bị thách thức ở chỗ người tị nạn rồi đây sẽ làm thay đổi cơ bản bản sắc nhà nước quốc gia trong EU. Cái khó đối với EU lại là cơ hội mới cho cái “Trục Berlin - Paris”.
Thảo Nguyên