Ảnh: HỒNG THÚY
Thương lái “ăn” hết
Tại TP HCM, giá các loại thực phẩm, rau củ quả ở nhiều chợ lẻ luôn cao ngất ngưởng, trong khi ở các chợ đầu mối cũng như trang trại chăn nuôi thì rất rẻ.
Mới đây, trao đổi với lãnh đạo ngành chăn nuôi, một chủ trại gà tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho biết giá gà công nghiệp ông xuất bán hiện chỉ ở mức 17.000-18.000 đồng/kg. Khi các thương lái thu mua và đưa vào lò giết mổ thì bán ra với mức 28.000-30.000 đồng/kg. Khi ra đến các chợ, người tiêu dùng phải mua gà này với giá 50.000- 55.000 đồng/kg. Với gà ta, giá còn đội lên cao hơn, phổ biến từ mức 70.000-80.000 đồng/kg lên đến 120.000-130.000 đồng/kg.
Một người chuyên “đánh” gà từ các tỉnh Long An, Tiền Giang lên TP HCM cho biết những người làm nghề như ông “ăn” ít nhất 10.000-15.000 đồng/kg.
Tại Hà Nội, trong khi giá thịt gà công nghiệp ở trại chỉ dưới 30.000 đồng/kg nhưng đến các chợ đã tăng lên 45.000 đồng/kg (nguyên con), 47.000 đồng/kg (đùi), 60.000 đồng/kg (cánh), 70.000 đồng/kg (chân). Như vậy, từ trang trại đến các chợ, giá đã bị “thổi” lên 30%-50%. Với phần chênh lệch này, các tiểu thương ở chợ chỉ được hưởng rất ít, chủ yếu lợi nhuận chảy vào túi các thương lái đi thu gom.
Với mặt hàng rau, theo một tiểu thương tại chợ đầu mối Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, dù thị trường có ế ẩm, giá dù lúc rẻ lúc mắc nhưng những người đi thu gom hàng chẳng bao giờ chịu thiệt. Khi thị trường ế ẩm, họ ép giá nông dân, còn lúc khan hàng thì họ lại ép giá tiểu thương ở chợ. Họ chỉ mua rau của nông dân tại vườn với mức 1.000 đồng/bó nhưng khi đến tay người tiêu dùng, giá đã bị đẩy lên gấp 3 lần. Tại nhiều chợ, hiện giá rau muống, cải, mồng tơi, dền… đều từ 3.000 đồng/bó trở lên...
Mỗi nơi một giá
Một thực tế đang tồn tại từ nhiều năm nay ở hệ thống chợ dân sinh là hàng hóa thực phẩm luôn trong tình trạng mỗi nơi một giá khác nhau. Chưa kể nhiều nơi còn có tình trạng “mua đầu chợ, bán cuối chợ” rất khó kiểm soát.
Tại địa bàn Hà Nội, chợ Vĩnh Hồ và chợ Nguyễn Phúc Lai, thịt gà công nghiệp khoảng 50.000 đồng/kg, thịt heo 80.000-100.000 đồng/kg, thịt bò 180.000 đồng/kg… Tuy nhiên, cùng mặt hàng này nhưng tại chợ Kim Liên, chợ Chùa Láng thì giá đã cao hơn khoảng 10%-20%.
Điều đáng nói là các chợ này đều lấy nguồn hàng từ những chợ đầu mối. Khảo sát các chợ ở những khu dân cư liền kề như Trung Tự - Kim Liên - Phương Mai (Hà Nội), chúng tôi cũng thấy giá thực phẩm rất khác nhau, thậm chí cách biệt 10%-15%.
Hàng hóa bày bán trong các siêu thị cũng rơi vào tình trạng giá cao và đủ loại giá. Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, đánh giá khách quan thì giá bán ở các siêu thị hiện nay đa phần đều cao hơn bên ngoài 2%-5%, cá biệt có khi 7%-10%. So với chợ đầu mối thì giá ở siêu thị còn cao hơn nhiều.
Đánh vào tâm lý người tiêu dùng là chuộng thực phẩm an toàn nên sản phẩm được vận chuyển từ nơi khác về các điểm bán an toàn hay siêu thị lại có dịp “hét” giá. Bà Phạm Thị Hồng - hiệu trưởng một trường mầm non ở quận Bình Tân, TP HCM - cho biết dù không chắc thực phẩm ở siêu thị tốt hơn hàng chợ nhưng để được tiếng là an toàn, nhà trường vẫn phải mua ở siêu thị dù có khi giá cao hơn gấp nhiều lần.
Nông dân lỗ nặng Với các hộ nông dân, chi phí chăn nuôi hầu như đều cao hơn giá bán. Theo một hộ chăn nuôi ở ngoại thành TP Hà Nội, chi phí nuôi vịt hiện nay là hơn 38.000 đồng/kg, trong khi thương lái mua tại trại chỉ với giá 36.000 đồng/kg. Giá thành chăn nuôi gà công nghiệp thương phẩm khoảng 32.000 đồng/kg nhưng thương lái chỉ mua trên dưới 29.000 đồng/kg. Chi phí nuôi heo khoảng 42.000 - 46.000 đồng/kg nhưng giá bán hiện không quá 42.000 đồng/kg... |