Chưa hết xúc động sau những ngày căng thẳng vì bị cô lập, khủng bố tinh thần do viết đơn tố cáo sai phạm của giám đốc và ê kíp dưới quyền, chị Nguyệt chia sẻ: “Việc chúng tôi tố các sai phạm không ngoài mong muốn bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh, bác sĩ điều trị không còn bị lừa dối”.
“Người ta thẳng tay vứt mẫu máu đi”
|
Việc gian lận kết quả xét nghiệm bắt đầu khi tháng 7.2013, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoài Đức Nguyễn Trí Liêm cho chia tách Khoa Xét nghiệm làm hai bộ phận: xét nghiệm cho bệnh nhân nội trú ở tầng 2, còn tầng 1 tiếp đón thực hiện xét nghiệm cho bệnh nhân ngoại trú. Trong số người đảm nhiệm trực tiếp xử lý mẫu xét nghiệm có hai kỹ thuật viên cao đẳng và trung cấp không đủ năng lực chuyên môn. Vì được giám đốc và trưởng khoa che chở, các kỹ thuật viên làm việc rất thiếu nghiêm túc và đặc biệt là không đủ năng lực nhưng lại ký tên trên kết quả xét nghiệm.
“Điều khiến chúng tôi đau xót là rất nhiều mẫu máu của người bệnh chuyển đến để xét nghiệm đã bị bỏ đi. Một kết quả xét nghiệm huyết học, sinh hóa lại được tận dụng in thêm để cùng trả cho 1-2 người khác, thậm chí 3 người”, chị Nguyệt nói và xót xa: “Bệnh nhân đến viện ai cũng phải chờ đợi vất vả. Các cháu bé khóc, cha mẹ lo lắng, người già thì mệt mỏi, mỗi người một tâm trạng. Mỗi lần lấy máu, các bé khóc, có khi giãy giụa vì sợ hãi, thế mà người làm xét nghiệm thẳng tay vứt mẫu máu đó đi, in ra một kết quả khác hoàn toàn từ một mẫu máu của người xa lạ”.
Cả nghìn mẫu xét nghiệm hóa học bị sai lệch, chưa kể nhiều mẫu xét nghiệm sinh hóa cũng bị làm sai. Có bệnh nhân là cụ ông bị bệnh động kinh phải vào viện vì ngứa do dị ứng, kết quả mẫu xét nghiệm của ông được in thêm 2 bản nữa để trả cho một bệnh nhi bị viêm phế quản và một bệnh nhi tiêu chảy! Có trường hợp bệnh nhi mắc bệnh tiêu chảy, sức khỏe bình thường nhưng lại chung kết quả xét nghiệm với người ốm nặng. Vì vậy, trên kết quả xét nghiệm, cháu bé này có tình trạng như của người sắp chết.
“Càng có chuyên môn, càng hiểu biết thì càng thấy sai lệch xét nghiệm là vô cùng nguy hiểm. Bệnh nhân chờ đợi, mệt mỏi, rất khổ, còn bác sĩ điều trị thì bị lừa vì xét nghiệm gian dối. Tình cảnh đó khiến tôi thấy không đấu tranh không được”, chị Nguyệt tâm sự.
Bị ngăn cản, đe dọa
|
Trước khi chị Nguyệt gửi đơn đến cơ quan công an, Sở Y tế Hà Nội cũng đã từng nhận được đơn tố cáo và cử đoàn công tác về chấn chỉnh. Tuy nhiên thời gian này cũng là lúc chị Nguyệt “bị lộ” và những kẻ bị tố cáo đã tìm đủ mọi cách ngăn cản, đe dọa.
Nước mắt chực trào ra trên gương mặt có phần hốc hác sau những ngày căng thẳng, chị Nguyệt kể: “Thời điểm tôi đưa đơn đến cơ quan công an cũng là lúc giám đốc bệnh viện cho người đến tác động với tôi qua bạn bè, người thân. Cũng có người chuyển lời hứa rằng trưởng khoa xét nghiệm sắp về hưu, khi đó giám đốc sẽ đưa tôi lên thay. Lại có người nhắn tin đe dọa rằng giám đốc nhiều mối quan hệ, lo liệu hết rồi. Thậm chí, ngay trong bệnh viện cũng có người theo dõi tôi vì một số mẫu xét nghiệm tôi thấy có vấn đề nên xuống tận nơi bệnh nhân điều trị nội trú để tìm hiểu, đối chiếu, nhưng khi đến nơi liền có người ngăn chặn. Mấy kỹ thuật viên làm sai trái còn viết lên các tờ xét nghiệm chuyển cho tôi với lời lẽ xúc phạm “đồ chó”, “đồ đểu”. Cùng lúc cũng có người lo lắng mà bảo tôi rút đơn tố cáo, nhưng tôi chỉ nói rằng: Không chạy theo kẻ mạnh có hành vi sai, phải bảo vệ người lao động”.
Chị Nguyệt nhớ lại: “Ngày tôi đưa đơn là ngày mưa gió, tâm trạng căng thẳng. Tôi đã rất lo lắng không biết sự việc sẽ được xử lý như thế nào. Có đúng là những người làm sai đã lo liệu hết không? Nhưng tôi vẫn quyết tâm lên đường, đi thật nhanh, bỏ đơn thư đến cơ quan công an và báo chí ngay trong một buổi sáng. Tôi đã chuẩn bị đầy đủ những chứng cứ thuyết phục và đề rõ: Đơn tố cáo khẩn cấp của viên chức Bệnh viện đa khoa Hoài Đức. Các cơ quan đã vào cuộc rất nhanh chóng. Tôi đưa đơn lúc 10 giờ sáng ở cơ quan công an thì 3 giờ chiều đã cử người xuống làm việc”.
“Tôi mong muốn các sai trái bị triệt tiêu, bệnh nhân, người lao động bớt khổ. Tôi cũng mong những người làm sai thay đổi, nhận ra hậu quả nghiêm trọng với bệnh nhân do việc làm sai trái của họ vì có người vẫn còn ngoan cố nói rằng những gian dối xét nghiệm chỉ là lỗi chứ không phải tội”, chị Nguyệt nói.
Gia đình và nhiều đồng nghiệp ủng hộ Để có bằng chứng tố cáo, chị Nguyệt và những người cùng chị đi tìm sự thật về các mẫu xét nghiệm đã mất nhiều tháng trời thu thập, xử lý chứng cứ, ghi hình, lưu đĩa, nhiều đêm phải thức đến 1-2 giờ sáng để xử lý các dữ liệu. “Mình làm phải chính xác, nếu không mọi người sẽ nghĩ mình nói xấu đồng nghiệp vu vơ. Căng thẳng, áp lực, sức khỏe tôi cũng suy giảm, chắc cũng sụt mất 5 kg”, chị tâm sự. Trong quá trình đưa sự việc ra ánh sáng, người phụ nữ 46 tuổi này nói đã nhận được lời khuyên, ủng hộ của thầy giáo, đồng nghiệp và đặc biệt là gia đình là chỗ dựa tinh thần cho chị. “Nghề y là nghề cao quý, cứu người nhưng cũng có cái vất vả, các con tôi chắc cũng không theo nghề của mẹ. Con trai lớn đang học năm thứ hai ĐH Kiến trúc, hai con gái đang học lớp 10 và lớp 4. Ông xã là giáo viên dạy toán, tất cả đều hỗ trợ động viên những lúc tôi chịu nhiều áp lực”. |
|
Liên Châu
Nguồn tin: Thanhnien