Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp gỡ Việt kiều nhân dịp Tết Ất Mùi - Ảnh: D.Đ.Minh |
Nếu như năm 1991 mới chỉ có 35 triệu USD kiều hối về VN nhưng tới năm 2014 con số này đã đạt mức kỷ lục 12 tỉ USD. VN lọt vào danh sách 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất toàn cầu theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.
Tính chung từ 1991 đến nay, kiều hối về VN đạt hơn 92 tỉ USD, trở thành nguồn vốn lớn thứ hai sau nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thậm chí còn cao hơn cả vốn ODA đã giải ngân. Năm nay, VN đặt mục tiêu thu hút từ 13 - 14 tỉ USD kiều hối. Trong đó, Mỹ là quốc gia có lượng kiều hối về VN nhiều nhất, chiếm hơn 50% kiều hối chính thức của cả nước, tiếp theo là Úc, Canada, Đức, Campuchia và Pháp. Chính sách mới về kiều hối thay đổi đã thu hút dòng vốn này về VN ngày càng nhiều hơn, như không hạn chế số lượng kiều hối, cho phép nhận và trả bằng ngoại tệ, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, dịch vụ ngân hàng thuận lợi…
Nhiều cơ hội
| | Gặp 10 nhà đầu tư Việt kiều thì hầu hết than bộ máy hành chính của chúng ta có vấn đề và ai cũng cho rằng tệ nạn nhũng nhiễu của cán bộ hành chính hơi quá đà. Than vãn này có từ hơn 10 hay 15 năm trước, đến nay vẫn còn thì chúng ta nên nhìn lại Chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành | | |
Vào thời điểm này, nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh ở VN cho các doanh nhân Việt kiều cũng đã được mở rộng ra so với trước. Hiện nay, số lượng dự án đăng ký đầu tư tại VN của kiều bào là hơn 2.000 dự án, với tổng vốn đầu tư 20 tỉ USD. Trong đó, TP.HCM là điểm đến rất quan trọng.
Tại buổi gặp gỡ với kiều bào trước Tết Ất Mùi, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết năm 2014 đã có hơn 756.974 lượt kiều bào về nước qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, trên 88.100 lượt kiều bào tạm trú tại địa phương và 309 kiều bào đã trở về TP.HCM sinh sống. Riêng TP.HCM, trong năm 2014, kiều bào đã chuyển về TP.HCM hơn 5 tỉ USD.
Theo ông Trần Hòa Phương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TP.HCM, địa phương “rất coi trọng, tạo cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút, phát huy nguồn lực trí thức người VN ở nước ngoài đóng góp cho sự nghiệp phát triển thành phố, đất nước”. Cụ thể, TP.HCM đã thực hiện một số chính sách về bố trí, sử dụng trí thức người VN ở nước ngoài đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu khoa học như: Viện Khoa học tính toán, Viện Nghiên cứu sinh học, Khu công nghệ cao, với chế độ làm việc bán thời gian và cấp kinh phí hỗ trợ đặc biệt để hoạt động. Hiện nay có hàng trăm chuyên gia, trí thức từ nhiều quốc gia hợp tác làm việc tại TP.HCM. Trong đó có 47 giáo sư và phó giáo sư, 50 tiến sĩ, 11 thạc sĩ.
Cũng theo ông Phương, hiện TP.HCM có trên 2.500 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư của Việt kiều được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, với tổng vốn điều lệ hơn 35.000 tỉ đồng; 122 dự án đầu tư nước ngoài có vốn kiều bào với tổng vốn đầu tư trên 260 triệu USD. Có những DN có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả như Công ty xử lý chất thải rắn Đa Phước (VWS), Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), Tập đoàn Norfolk VN, Trung tâm Vimcom Plaza... Nhiều Việt kiều cũng tham gia làm cổ đông lớn của các ngân hàng Techcombank, VIBank, Công ty Eurowindow, Tập đoàn Masan...
“Vai trò cầu nối của Việt kiều trong hợp tác quốc tế cũng được phát huy, góp phần chuyển giao công nghệ, đầu tư phát triển ở các ngành hóa, vi sinh, in, quang dẫn, công nghệ thông tin. Nhiều DN nước ngoài ở thành phố do kiều bào trực tiếp hoặc gián tiếp làm cầu nối, dẫn dắt đầu tư về VN như các Tập đoàn Intel (ông Thân Trọng Phúc, Việt kiều Mỹ), Robert Bosch (ông Võ Quang Huệ, Việt kiều Đức), Fujitsu (ông Nguyễn Trí Dũng, Việt kiều Nhật). Riêng tại Khu công nghệ cao thành phố, hiện có 9 nhà đầu tư Việt kiều với tổng vốn đầu tư 113,3 triệu USD”, ông Phương cho biết thêm.
Cần có những quyết sách mạnh hơn
Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu (Việt kiều Mỹ) nhận xét lượng kiều hối chuyển về VN đạt 12 tỉ USD trong năm 2014 thực tế vẫn quá nhỏ bé so với tổng thu nhập của hơn 4,5 triệu kiều bào VN ở khắp nơi trên thế giới.
“Nếu tính bình quân thu nhập của một hộ gia đình (gồm 3 người) ở các nước khoảng 50.000 USD/năm thì số lượng kiều bào đó sẽ có tổng mức thu nhập khoảng 50% GDP của VN. Đó là chưa tính nguồn thu nhập do các DN hay nhiều người làm thêm, làm không chính thức thì con số đó sẽ còn cao hơn. Điều này cho thấy nguồn lực của kiều bào là rất lớn”, ông Hiếu nhấn mạnh. Bên cạnh đó, đóng góp của kiều bào ở các lĩnh vực khoa học, công nghệ về VN vẫn còn khá ít. “Để thu hút nhiều hơn nữa nguồn lực tài chính cũng như các đóng góp phi tài chính từ kiều bào, Chính phủ và Quốc hội VN cần có những quyết sách mạnh hơn. Ví dụ chính sách mở cửa cho kiều bào về mua nhà tại VN vừa được ban hành là thích hợp nhưng cần nhiều chính sách khác. Đó là tạo ra các trung tâm nghiên cứu khoa học, tạo ra những DN trong nước có khả năng tiếp nhận công nghệ và các chuyên gia từ các nước trở về sinh sống và làm việc với chế độ đãi ngộ phù hợp, bao gồm từ hạ tầng cơ sở làm việc, nơi ăn ở, đi lại…”, ông Hiếu nói thêm.
Bên cạnh kiều hối, vốn đầu tư, công nghệ, kỹ thuật cao và kinh nghiệm thâm niên làm việc tại các quốc gia phát triển chính là “nguồn lực mềm” quý giá mà đến nay, những nỗ lực của Chính phủ để thu hút nguồn lực này vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Đó là nhận xét của ông Phan Thành, doanh nhân Việt kiều Canada, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp người VN ở nước ngoài tại TP.HCM. Theo ông Thành, guồng máy hành chính tại VN còn quá cồng kềnh, nếu không nói là rườm rà phức tạp là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. “Muốn thu hút nguồn lực, VN cần tinh giản bộ máy hành chính gọn nhẹ hơn nữa. Làm thế nào để phát huy tối đa Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người VN ở nước ngoài đến gần với kiều bào hơn chứ không nên để bị tắc tại các địa phương do chờ hướng dẫn”, ông Thành nói.
“Không thể cứ để họ than như vậy”
Theo chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành (Việt kiều Mỹ) - từng là nhà tư vấn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài và nhà tư vấn Chính phủ về một số chính sách đầu tư, kiều hối chuyển về nước sẽ cao hơn nữa nếu chính sách thu hút đầu tư được rõ ràng và minh bạch hơn. Ông nói: “Gặp 10 nhà đầu tư Việt kiều thì hầu hết than bộ máy hành chính của chúng ta có vấn đề và ai cũng cho rằng tệ nạn nhũng nhiễu của cán bộ hành chính hơi quá đà. Than vãn này có từ hơn 10 hay 15 năm trước, đến nay vẫn còn thì chúng ta nên nhìn lại. Chính phủ cần phải tìm hiểu kỹ vì sao nhà đầu tư than như vậy để có thể giải quyết hiệu quả, không thể cứ để họ than như vậy trong hơn cả chục năm qua”.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN cũng nhấn mạnh: “VN cần đơn giản hóa thủ tục và đối xử với doanh nhân kiều bào bình đẳng với các đối tượng DN khác nếu họ muốn đầu tư về quê hương. Họ cần tự do trong kinh doanh hơn là những ưu đãi”. Theo ông Thiên, nguyên nhân chưa thu hút được nguồn lực kiều bào tương xứng chủ yếu do môi trường đầu tư chưa thật sự thông thoáng. Ngoài ra, rất cần tầm nhìn dài hạn và mạnh mẽ hơn trong vấn đề kiều bào.
“Nên xem nhà đầu tư Việt kiều là điểm kết nối giữa VN và các nhà đầu tư nước ngoài khác. Thông qua kiều bào để kết nối với thế giới tốt hơn. Như vậy mới thấy được lợi thế của họ rõ hơn. Chức năng của kiều bào là rất đặc biệt, họ đang ở trong chuỗi của thế giới nên sẽ giúp gắn kết VN với thế giới và ngược lại. Đặt vấn đề như vậy thì sẽ phát huy vai trò của tất cả kiều bào”, TS Thiên nhận định.
Cần có chính sách phù hợp để thu hút chuyên gia Cần đưa ra những điều cụ thể hơn, phù hợp để thu hút được các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ. Thứ nhất là cần có mức lương thỏa đáng cho các chuyên gia ở nước ngoài trở về VN làm việc. Đặc biệt ở các viện nghiên cứu, các DN nhà nước cần phải có quy chế này thì mới tiếp nhận và tuyển dụng được. Thứ hai là đối với một số chuyên gia đã thành công ở nước ngoài thì vấn đề thu nhập không phải quan trọng hàng đầu. Cái họ cần là được công nhận và giao cho quyền quyết định thuộc lĩnh vực phụ trách thì khi đó mới phát huy được hiệu quả và gia tăng khả năng đóng góp của họ. Nếu chỉ giữ họ ở vai trò cố vấn như nhiều trường hợp từ trước đến nay thì khó khuyến khích sự trở về của các chuyên gia. Ông Nguyễn Hữu Lệ Việt kiều Canada - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty phần mềm TMA Solutions Những chuyện nhỏ làm giảm nhiệt huyết đầu tư Sau gần 20 năm làm ăn tại quê nhà, tôi nhận thấy chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ với DN Việt kiều chưa hiệu quả như mong muốn. Tôi đã mua nhà ở hơn 10 năm nhưng vẫn chưa được đứng tên sở hữu. Tôi có một tờ giấy chứng nhận gốc gác là người VN, dùng trong hồ sơ xin giấy phép đầu tư trước đó 15 năm, mang đi làm giấy tờ nhà nhưng không được chấp nhận. Ủy ban quận hướng dẫn tôi sang đại sứ quán VN tại Mỹ để xin giấy chứng nhận khác. Mất nửa tháng, tôi lại được hướng dẫn quay qua các cơ quan VN chứ đại sứ quán không chứng nhận. Những chuyện nhỏ như thế này liệu có làm giảm nhiệt huyết nhà đầu tư Việt kiều không? Tôi nói chắc chắn là giảm rất nhiều. Ông Nguyễn Đăng Tiến, doanh nhân Việt kiều Mỹ Hành lang pháp lý còn nhiều bất cập Nhiều văn bản luật đôi khi vẫn không theo kịp những diễn biến thực tiễn phát triển của xã hội. Đây chính là vướng mắc khiến cho hoạt động của các DN gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Chính sách đối với kiều bào vẫn chưa có sự nhất quán pháp lý, giữa chính sách và thực thi chính sách. Nguồn lực của kiều bào không chỉ dừng lại ở những con số kiều hối mà còn là nguồn lực tri thức. Có vẻ như tri thức vẫn ít được chú trọng. Đó chính là nguồn lực “chìm” mà chúng ta chưa biết tận dụng khai thác. Ông Nguyễn Hoài Bắc, doanh nhân Việt kiều Canada Thu hút người trẻ trở về Tôi chỉ có một mong muốn giá như VN có một tổ chức hay cơ quan nào đó có năng lực thực sự để kêu gọi lực lượng trẻ du học sinh ở nước ngoài, người Việt trẻ ở nước ngoài về nước cống hiến nhiều hơn. Một lần tôi sang Mỹ tham dự buổi lễ ra trường của con trai, trường có trên 90% sinh viên tốt nghiệp là du học sinh từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc. Tôi hỏi, tất cả đều cho biết sẽ trở về quê nhà làm việc để hưởng chính sách ưu đãi của nước họ mà không dễ gì họ tìm thấy tại Mỹ. Bà Cecile Phạm, Việt kiều Pháp - Tổng giám đốc Tập đoàn Dacotex |