Nhân rộng Quỹ CEP

Thứ bảy - 25/05/2013 09:32 1.405 0
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để các quỹ trợ vốn Công đoàn mở rộng phạm vi hoạt động, tạo cơ hội việc làm cho người lao động nghèo

 

Xóm nhà bè phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa - Đồng Nai trung tuần tháng 5-2013 ngập tràn niềm vui khi đoàn công tác của Bộ Tài chính và Tổng LĐLĐ Việt Nam đến khảo sát hiệu quả hoạt động của Quỹ Trợ vốn cho người nghèo tự tạo việc làm (Quỹ CEP, trực thuộc LĐLĐ TP). Tiếp khách trong chiếc bè mới, chị Nguyễn Thị Cảnh, một thành viên CEP, bày tỏ vui mừng: “Từ hồi được vay vốn CEP làm ăn, cuộc sống tôi đỡ cơ cực hơn, thậm chí có thể tích lũy”. Hàng chục hộ dân ở xóm nhà bè cũng có niềm vui ấy.

Thoát nghèo bền vững

Đon đả rót nước mời khách, chị Cảnh vẫn chưa hết xúc động khi nhớ lại quãng thời gian khó khăn trước đây. “Gia đình gồm 5 nhân khẩu phải sống chen chúc trong nhà bè cũ kỹ, mục nát. Chồng làm phụ hồ, còn tôi bán cá ngoài chợ, thu nhập bấp bênh nên luôn thiếu trước hụt sau. Nhiều lúc tôi nghĩ quẩn...” - chị Cảnh kể lại. Để có vốn bán cá ngoài chợ, chị Cảnh cũng phải vay ngoài với lãi suất 15%.  Buôn bán thua lỗ, lãi mẹ đẻ lãi con, thời gian chị trốn nợ nhiều hơn thời gian ở nhà.

Nhân viên tín dụng Quỹ CEP (bìa trái) thăm hỏi thành viên vay vốn CEP

Lúc khốn khó nhất cũng là lúc chị được bạn bè giới thiệu vay Quỹ CEP làm ăn. Từ 4 triệu đồng vốn vay đầu tiên, chị dành một ít trả nợ, còn lại dùng để  mua cá đem bán ở chợ. Với sự hướng dẫn tận tình của nhân viên tín dụng Chi nhánh CEP Biên Hòa Đông, sau 10 tháng, không chỉ trả hết nợ, chị còn tích lũy mua cá giống về thả nuôi trong bè. Sau 4 lần vay, cuộc sống gia đình chị sung túc hơn. Từ khoản tiền tiết kiệm và đóng góp của chồng, con, chị mua một cái bè mới, vừa là nơi sinh hoạt vừa là nơi nuôi cá. Cách đây không lâu, chị còn mua được miếng đất ở Cù lao bà Sang.

Tương tự là trường hợp của chị Đoàn Thị Nhiệm, một người hàng xóm của chị Cảnh. Sau 4 lần vay CEP, cuộc sống gia đình khấm khá hơn, có của ăn của để. Dẫn các thành viên đoàn công tác đến xem căn nhà mới vừa được khởi công, chị Nhiệm nghẹn ngào: “Cả đời tôi sống ở dưới bè, không dám nghĩ có ngày sẽ được lên bờ. Quỹ CEP đến với người nghèo thật đúng lúc, giúp gia đình tôi có chỗ an cư”.

Nhu cầu cao, vốn ít

Trong nỗ lực giúp người lao động (NLĐ) nghèo cải thiện thu nhập, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng đề án “Nhân rộng mô hình quỹ trợ vốn cho NLĐ nghèo tự tạo việc làm có sự hỗ trợ vốn từ ngân sách Nhà nước”. Mục tiêu đề án là thành lập 40 quỹ mới tại các  tỉnh, thành; hỗ trợ vốn cho từ 300.000 đến 400.000 công nhân (CN). Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là vốn. “Nhằm giúp NLĐ nghèo tự tạo việc làm, hằng năm Nhà nước phân bổ vốn từ Quỹ Quốc gia Giải quyết việc làm cho Tổng LĐLĐ Việt Nam khoảng hơn 1 tỉ đồng, thấp nhất so với các tổ chức đoàn thể khác, dù hiệu quả sử dụng vốn tốt.
 
Hiện tổng nguồn vốn Tổng LĐLĐ Việt Nam đang quản lý là 63,5 tỉ đồng, chỉ đáp ứng được 2,6% nhu cầu vay vốn của NLĐ nghèo trong khi số vốn phân bố ngày càng hạn hẹp. Các quỹ trợ vốn Công đoàn (CĐ) (trong đó có Quỹ CEP) chỉ đáp ứng được từ 1% đến 10% nhu cầu vay vốn của CNVC-LĐ nghèo” - ông Trần Văn Tư, Trưởng Phòng Cơ chế - Chính sách, Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết. Đáng ngại hơn là thời gian tới, nguồn vốn của Quỹ CEP và các quỹ trợ vốn khác sẽ bị giảm do phải trả nợ vốn vay theo cam kết tại các dự án vay vốn. Theo đó năm 2014, Quỹ CEP phải hoàn trả 51 tỉ đồng, các quỹ trợ vốn còn lại cũng sẽ trả tiền đang vay từ nguồn tiền tích lũy của các LĐLĐ tỉnh khi tới hạn.
 
Tại hội thảo góp ý hoàn thiện đề án tổ chức mới đây ở TPHCM, Bộ Tài chính thống nhất đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc ngân sách cần tăng cường hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực tài chính, tạo điều kiện cho các quỹ mở rộng phạm vi hoạt động và giúp CN có cơ hội thoát nghèo. Về nội dung tổ chức hoạt động của các quỹ, bà Trịnh Phong Lan, Vụ trưởng Vụ Tài chính - ngân hàng và các tổ chức tín dụng - Bộ Tài chính, góp ý: “Các quỹ cần thống nhất đối tượng, phạm vi cho vay, cơ chế cho vay... để tránh trùng lặp với các tổ chức tài chính khác.
 
Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm các bộ, ngành, tổ chức CĐ trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động các quỹ này”. Còn theo bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Giám đốc Quỹ CEP, cần phân định rõ loại hình doanh nghiệp vì lợi nhuận và phi lợi nhuận, từ đó có chính sách thuế hợp lý đối với tổ chức tài chính vi mô hoạt động phi lợi nhuận như Quỹ CEP. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên bãi bỏ quy định về lãi suất trần đối với tổ chức tài chính vi mô nhằm tạo điều kiện cho tổ chức này bền vững về tài chính”. 

Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp

 “Để triển khai đề án, tạo việc làm cho 450.000 CNVC-LĐ nghèo, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần hỗ trợ khoảng  3.000 tỉ đồng. Song song với hoạt động huy động tiết kiệm của CN; khai thác nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của các tổ chức, cá nhân để bổ sung vốn hoạt động của các quỹ, đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản pháp luật theo hướng cho phép Quỹ CEP và các quỹ trợ vốn khác của CĐ tiếp tục thực hiện mục đích hoạt động phi lợi nhuận, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp” - ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đề nghị.

Bài và ảnh: KHÁNH LÊ

Nguồn tin: NLĐ Online

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập103
  • Hôm nay5,833
  • Tháng hiện tại54,004
  • Tổng lượt truy cập41,234,605
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây