Thế nhưng, do hạn hán kéo dài, số vốn vay này đang có nguy cơ “bốc hơi” vì nhiều diện tích cây trồng khô héo không còn nước tưới. Chưa nói đến trả nợ gốc, ngay cả tiền lãi vốn vay cũng khó mà cầm cự nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ kịp thời.
Là một trong những hộ nghèo, năm 2012, gia đình ông Phạm Thanh Vinh, thôn Nam Tiến, xã Ea Pô được vay 8 triệu đồng từ chương trình nước sạch để khoan giếng phục vụ sinh hoạt và tưới cho gần 1 ha cây trồng, chủ yếu là cà phê và hồ tiêu.
Năm 2015, sau khi trả xong khoản vay này, ông được thôn bình xét để vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Jút để đầu tư sản xuất. Ông dùng số vốn trên để đầu tư, chăm sóc cây hồ tiêu và cà phê, hy vọng vài năm sau sẽ trả được nợ. Thế nhưng, hiện giờ ông đang như “ngồi trên đống lửa” vì gần 4 sào hồ tiêu năm thứ 3 đã chết héo do không có nước tưới.
Những trụ tiêu của gia đình ông Phạm Thanh Vinh, thôn Nam Tiến, xã Ea Pô đang héo vàng, khô lá vì không có nước tưới |
Ông Vinh cho biết: “Toàn bộ số tiền vay ngân hàng, gia đình dùng để khoan giếng, chăm sóc cây trồng. Vậy mà đến nay, cái giếng khoan có độ sâu hơn 80 m không còn nước tưới, chỉ đủ phục vụ tối thiểu cho sinh hoạt. Vì vậy, những trụ tiêu không được tưới đang vàng úa và chết dần khiến tôi đứng ngồi không yên. Nếu sắp tới không có mưa thì ngay cả tiền lãi ngân hàng, gia đình tôi cũng khó mà trả được”.
Gần đó, hộ gia đình chị Phạm Thị Lụa cũng đã vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo để đầu tư chăm sóc 6 sào cà phê. Do nguồn nước giếng đã cạn, không có tiền khoan giếng nên một số cây cà phê đã héo và chết. Hiện, chị Lụa đã phải chặt bỏ khoảng 50 gốc cà phê bị chết do hạn, chờ mưa xuống, trồng cây ngắn ngày để lấy ngắn nuôi dài.
Chị Lụa cho biết: “Được vay vốn với lãi suất ưu đãi, những hộ nghèo như tôi cứ mong “mưa thuận, gió hòa” để phát huy nguồn vốn, trả nợ gốc và lãi đúng hạn cho ngân hàng cũng như từng bước thoát nghèo. Thế nhưng, với tình trạng hạn hán như năm nay, nguồn vốn vay hộ nghèo như gia đình tôi đang ngày một hao hụt vì cây trồng chết khô. Vì đang vay nguồn vốn thoát nghèo nên tôi không thể vay các nguồn vốn khác được. Tôi mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ kịp thời để những hộ nghèo như tôi vượt qua thời điểm khó khăn này”.
Ông Đinh Công Xoan, Chủ tịch UBND xã Ea Pô cho biết, hiện toàn xã có khoảng 220 ha cây hồ tiêu, 160 ha cây cà phê không có nước tưới. Xã có 25 ha lúa nước đã mất trắng vì hạn hán và 80 ha lúa nước đang trong tình trạng thiếu nước tưới trầm trọng. Toàn xã cũng ghi nhận 630 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Điều đáng nói, tình trạng hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng chủ yếu với các hộ thuộc diện nghèo hoặc mới thoát nghèo, không có tiền đầu tư tìm nguồn nước. Riêng các hộ thuộc dự án ổn định dân di cư tự do thuộc thôn 15, trước đây, họ được vay nguồn vốn nước sạch để khoan giếng phục vụ sinh hoạt và sản xuất thì đến nay, 70% số giếng đã bị cạn nước.
Ông Mai Văn Nam, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Chư Jút cho biết: “Trước tình hình nhiều hộ nghèo trên địa bàn vay vốn nhưng bị ảnh hưởng do hạn hán, Phòng Giao dịch đang phối hợp với chính quyền để rà soát, xác định đối tượng, diện tích thiệt hại cụ thể nhằm đề xuất phương án hỗ trợ. Ngoài phương án gia hạn, cho vay lại, khoanh nợ tùy vào mức độ thiệt hại thì Phòng Giao dịch đang nghiên cứu, tham mưu cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh một số phương án để giúp các hộ nghèo bị ảnh hưởng do hạn hán có cơ hội tiếp cận một số nguồn vốn vay ưu đãi khác”.
Bài, ảnh: Hà An