Nhiều người dân đã sử dụng tiết kiệm nước

Thứ tư - 08/05/2013 09:28 1.280 0
Ý thức được sự khan hiếm nguồn nước nên những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Nam Dong (Chư Jút) đã chú trọng tới việc sử dụng tiết kiệm nguồn nước từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.





Gia đình ông Hoàng Văn Thinh, ở thôn 9, xã Nam Dong đã tiết kiệm 8 m3 nước/tháng
 


Ông Hoàng Văn Thinh, một người dân ở thôn 9 cho biết: “Qua các phương tiện thông tin, tôi biết rằng thời tiết đang có những biểu hiện thất thường, ảnh hưởng không tốt đến sinh hoạt, sản xuất, nhất là nguồn nước ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, tôi luôn nhắc nhở con cháu trong nhà phải biết sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên mà gần gũi, cụ thể nhất đó là tiết kiệm nguồn nước ngầm, nước mặt. Trước đây, mỗi tháng cả nhà tôi sử dụng khoảng 20 m3 nước, nhưng nay giảm xuống còn 10-12 m3 mà vẫn đảm bảo cho sinh hoạt hàng ngày”.
 
Không chỉ đối với nước sinh hoạt, sử dụng tiết kiệm nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp cũng đã được nhiều người dân chú ý. Điển hình như ông Nguyễn Văn Nhung ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) đã sử dụng màng phủ nông nghiệp, hệ thống tưới tiết kiệm nước trong việc sản xuất các loại rau, củ.
 
Theo ông Nhung thì việc sử dụng ít lượng nước cũng không làm giảm đi năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, gia đình có thể tiết kiệm được một phần chi phí sản xuất do ít tiêu tốn tiền điện bơm nước và không lo thiếu nước tưới vào mùa khô như trước đây. Việc tưới nước tiết kiệm cũng được anh Nguyễn Quý Súc ở thôn Đắk Kual, xã Đắk N’Drung (Đắk Song) áp dụng đối với 2 ha cà phê. Bằng việc tưới cho mỗi gốc cà phê khoảng 0,5m3/1 lần tưới, kết hợp với việc trồng các loại cây che bóng mát, trong mùa khô này, gia đình anh vẫn đủ nước tưới, cà phê phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất cao.
 
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thì do những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cộng với việc sử dụng nguồn nước mặt, nước ngầm còn lãng phí, thất thoát, nhất là trong việc tưới cho cà phê đã làm cho nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng suy kiệt. Thêm vào đó, lượng mưa ngày càng ít, mùa khô kéo dài và những cánh rừng đầu nguồn đang bị phá cũng là nguyên nhân làm cho các sông, suối, hồ, đập sớm cạn kiệt nguồn nước.
 
Qua một số kết quả khảo sát gần đây của cơ quan chuyên môn, mực nước ngầm ở một số vùng như Đắk Mil, Chư Jút, Đắk Song đã giảm xuống trầm trọng, so với năm 2006, sụt xuống khoảng 3 - 5m. Với độ sâu khoảng 30m, một giếng khoan của nông dân trước đây có thể cung cấp đủ nước tưới từ 2 - 3 ha cà phê, nhưng nay lượng nước không đủ tưới cho 1ha.
 
Không chỉ với cà phê, tình trạng thiếu nước cũng diễn ra với các loại cây lương thực, cây ngắn ngày. Đơn cử như ở vụ đông xuân năm nay đã có hàng ngàn héc ta cây trồng bị ảnh hưởng của khô hạn kéo dài, nhiều nơi chậm xuống giống do không đủ độ ẩm đất, cây khó nảy mầm. Đây là một thực tế báo động về việc suy kiệt nguồn nước ở Đắk Nông. Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực của ngành chức năng trong công tác quy hoạch, quản lý, thì người dân đã ngày càng nêu cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc sử dụng, bảo vệ nguồn nước mặt, nước ngầm nhằm đảo bảo an toàn cho sự phát triển.
 
Tình hình sử dụng, khai thác nguồn nước mặt, nước ngầm một cách lãng phí đã không còn diễn ra phổ biến như trước đây, nhiều hộ dân đã biết khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn nguồn tài nguyên nước. Việc đăng ký khai thác nước mặt, nước ngầm với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn cũng như tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng đã được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân ngày càng chú trọng hơn.
 
Bài, ảnh: Hồng Thoan

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập38
  • Hôm nay5,833
  • Tháng hiện tại56,554
  • Tổng lượt truy cập41,237,155
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây