Thông báo trên website Đại sứ quán Mỹ ở VN cho biết cơ quan này cùng Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM vẫn hoạt động bình thường cho đến khi... có thông báo mới - Ảnh chụp lại màn hình
Trên bề nổi, ông Obama muốn bảo đảm cho người dân Mỹ được chăm sóc y tế một cách tốt nhất có thể, bất luận mua bảo hiểm y tế hạng nào, bao nhiêu và của công ty nào... Còn nhớ khi cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton phải mổ bắc cầu động mạch vành năm 2004, mổ xong ông kể rằng nhờ đã mua một gói bảo hiểm y tế “tốt” nên vụ mổ được thực hiện trong một bệnh viện tốt và cũng không tốn kém.
Nhắc đến ông Clinton vì cách đây đúng 20 năm, ông từng nhất định cho ra đời đạo luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bất chấp sự phản đối kịch liệt của đảng Cộng hòa cùng các công ty bảo hiểm. Nay ông Obama tiếp tục công việc đó, nâng quyền lợi khám chữa bệnh của những người ít tiền mua bảo hiểm y tế hạng “bình dân” lên tối đa, đánh thuế trên các thiết bị y tế..., nên có bị đảng Cộng hòa cùng phía bảo hiểm và bệnh viện chống đối kịch liệt là lẽ đương nhiên.
Đương nhiên là do ăn cây nào rào cây đó, nhận phiếu từ nhóm cử tri nào thì phục vụ lợi ích nhóm cử tri đó. Đảng Dân chủ, như các đảng cánh tả ở châu Âu, đeo đuổi chính sách “Nhà nước phúc lợi” nên chu cấp giáo dục, y tế... cho dân chúng; còn đảng Cộng hòa, cũng như các đảng cánh hữu ở châu Âu, đặt kinh tế thị trường cùng các nhóm lợi ích trên hết, nên ra sức phục vụ các công ty bảo hiểm, bệnh viện... Đảng nào, cương lĩnh gì, cứ thế mà trung thành!
Thời hạn biểu quyết ngân sách hoạt động ngày 30-9 vừa qua, lại đến thời hạn biểu quyết mức trần nợ công ngày 15-10. Đến ngày đó, Chính phủ Mỹ sẽ chạm đến mức trần vay nợ của mình. Ngân khố sẽ chỉ có thể cung ứng cho chính phủ những đồng tiền mặt còn sót trong kho bạc, khoảng 50 tỉ USD.
Cuộc đấu đá kịch liệt hiệp hai này là một thí dụ “sống” khác nữa cho tính nghiêm ngặt phải có trong giám sát ngân sách, trong kỷ luật tài khóa, mà vai trò của quốc hội là tối thượng. Không phải muốn nâng mức trần công nợ lên bao nhiêu, phán một câu là được!
Thật ra, Chính phủ Mỹ hiện đang nợ như “chúa chổm” là do ông Obama đang phải è cổ gánh hai đống nợ nặng hơn búa tạ của người tiền nhiệm George Bush “con”. Trước đó, khi trao Nhà Trắng lại cho ông Bush, ông Clinton từng dõng dạc tuyên bố giải quyết hết thâm thủng ngân sách do ông Bush “bố” để lại rồi.
Cuộc chiến tranh kéo dài tại Afghanistan và Iraq cùng các chính sách cho vay tín dụng địa ốc thiếu chuẩn mực và các hệ lụy tai hại của nó đã nhận chìm ngân sách Mỹ, khiến hết bản thân ông Bush “con” đến ông Obama phải liên tiếp nhờ Cục Dự trữ liên bang (FED) giải cứu kinh tế. Chứ thật ra trong một chế độ kiểm soát ngân sách chi li như ở Quốc hội Mỹ, kiểm soát ngay từ khi mới ước chi ngân sách đến kiểm soát hậu chi, không có một xu nào thừa cho những khoản chi tào lao thiên địa, nói chi đến bòn rút ngân sách! Bằng chứng là mức thâm hụt ngân sách của năm tài khóa vừa kết thúc hôm 30-9 chỉ còn khoảng 642 tỉ USD - lần đầu tiên xuống dưới mức 1.000 tỉ trong vòng năm năm qua, và giảm nhiều so với năm ngoái (đến 35%).
Thành ra câu chuyện tỉ thí ngân sách Mỹ ít nhất cũng là một vết xe... đáng ngẫm nghĩ!