Nguyên nhân và tình trạng
Rối loạn giấc ngủ bao gồm khó ngủ, ngủ nhiều, rối loạn giữa ngủ và thức. Còn mất ngủ là tình trạng không thể ngủ hay khó duy trì giấc ngủ, người bệnh thường thức dậy trong đêm mà không ngủ lại được, dậy quá sớm, sau khi ngủ dậy cơ thể vẫn cảm thấy mệt mỏi, rã rời.
Mất ngủ thường do các nguyên nhân: công việc căng thẳng, mệt mỏi lâu ngày dẫn đến stress, suy giảm nội tiết tố nữ ở phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, lạm dụng các món ăn, đồ uống có chất kích thích, rượu, bia, thuốc lá hay trà, cà phê, có thói quen đi ngủ quá muộn, thích ngủ nướng vào ban ngày... Từ đó dẫn đến những hậu quả như làm ảnh hưởng và đảo lộn cuộc sống, người bệnh lo lắng và buồn phiền, lâu dần trở thành thói quen xấu làm mất ngủ trầm trọng hơn. Đối với người cao tuổi, mất ngủ luôn song hành, nó theo đuổi dai dẳng và gây cảm giác chán chường cũng như sợ hãi khi màn đêm buông xuống.
|
Có 3 loại mất ngủ: Mất ngủ tạm thời - kéo dài chỉ trong vài ngày do biến động như lạ chỗ. Mất ngủ ngắn hạn - kéo dài từ 1 đến 4 tuần do có sự căng thẳng, lo âu, phiền muộn, áp lực công việc... Mất ngủ kinh niên - kéo dài trên 4 tuần, thậm chí vài năm, vài chục năm do các rối loạn trong cơ thể như các bệnh nội khoa, bệnh trầm cảm.
Người thường xuyên bị mất ngủ rất dễ có nguy cơ bị bệnh tăng huyết áp và tim mạch. Ngoài ra, thiếu ngủ còn làm tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường, trầm cảm, nghiện rượu và dễ gây tai nạn giao thông vì mất ngủ ảnh hưởng rất lớn đến não bộ gây mất tập trung.
Khắc phục
Nhu cầu ngủ mỗi ngày của mỗi người khác nhau, tùy từng thời điểm, từng lứa tuổi khác nhau. Do đó, không nhất thiết mỗi người phải ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày. Chẳng hạn, ở trẻ sơ sinh, nhu cầu giấc ngủ từ 12-14 tiếng, người cao tuổi có thời gian ngủ rất ít do có sự thay đổi về sinh lý, người bình thường có thể ngủ ít hơn hoặc nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày, miễn sao cơ thể không thấy mỏi mệt, buồn ngủ trong ngày hôm sau. Do vậy, thời gian ngủ của từng người có khác nhau, miễn là thích hợp và có cảm giác thoải mái sau khi ngủ.
Trong cuộc sống hằng ngày, sự bất thường về giấc ngủ thỉnh thoảng vẫn xảy ra (vì trong sinh hoạt đôi khi tạo ra những lo âu, căng thẳng nhưng rồi sau đó sẽ tự khỏi). Nếu có thời gian ngủ ngắn nhưng tỉnh táo và khỏe mạnh sau khi thức dậy thì chứng tỏ là có giấc ngủ tốt; ngược lại nếu thường xuyên buồn ngủ, khó chịu và không tập trung sau khi ngủ dậy thì có thể bị rối loạn giấc ngủ. Khi đó, không nên vội vã dùng đến thuốc an thần hay thuốc ngủ mà hãy sử dụng những biện pháp tự nhiên để khắc phục, nếu vẫn không tiến triển thì cần phải đi khám để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời.
Để có giấc ngủ tốt, cần phải ăn uống điều độ, không kiêng khem quá mức và thực hiện tốt các biện pháp sau: không lạm dụng các loại nước giải khát có cồn, cà phê, trà đặc - nhất là vào buổi tối; hạn chế rượu, bia; tạo thói quen tập thể dục nhẹ nhàng trước khi đi ngủ và nên tập thể dục một cách đều đặn; giữ cho phòng ngủ luôn sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế tiếng ồn.
BS Hồ Văn Cưng
Nguồn tin: Thanhnien