Những khoảnh khắc Võ Thị Thắng

Thứ tư - 27/08/2014 03:10 871 0
10 năm làm việc dưới quyền chị Võ Thị Thắng, cùng với nụ cười, tôi luôn ấn tượng về những giọt nước mắt của chị.

Nhắc đến tên chị Võ Thị Thắng, ai cũng nhớ ngay đến “Nụ cười chiến thắng”. Anh Trần Quốc Thuận, chồng chị, có lần nói: “Chị Thắng hay khóc lắm!”. Lúc đầu, tôi chưa tin bởi quá khứ đã đưa tôi đến ngộ cảm: chị là con người thép. Nhưng 10 năm làm việc dưới quyền chị với vai trò là Chánh Thanh tra Tổng cục Du lịch, cùng với nụ cười, tôi luôn ấn tượng về những giọt nước mắt của chị - những khoảnh khắc cho tôi những cảm nhận sâu sắc...

Một buổi chiều cuối năm 1998, trên đường về nơi nghỉ sau ngày họp, chị Thắng cho dừng xe, rủ tôi đi bộ cùng chị vào một trường học tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Đến cổng trường, chị không vào mà đứng ngây người nhìn lũ trẻ ríu rít tan trường. Chị kể: Trường này trước đây là trường tư thục Tân Thanh. Chị đã cùng bạn bè đấu tranh chống tha hóa học đường, chống kiểu giáo dục tự do du nhập thác loạn, hiện sinh. Trường này có nhiều học sinh nhập Hội Xi Ti Oai. Chị giải thích Xi Ti Oai là từ đầu của ba từ “Cho Tình Yêu”, nhưng phát âm theo Anh ngữ.

 

Trường này hồi đó không ít thày giáo đội lốt để làm chính trị, theo dõi đàn áp phong trào học sinh yêu nước, trong đó có vị đội lốt tăng ni mang tên Thích Thành Nhân. Ông này đứng tư cách thày, mặc áo nhà tu, nhưng đến giảng môn “công dân giáo dục” lại luôn xuyên tạc lịch sử, chửi bới tùm lum và lượn lờ ve vãn nữ sinh trong lớp. Trong áo ông “thày” luôn giấu khẩu súng ngắn. Chị Thắng đã chủ trò bóc mẽ “thày”. Chị cùng nhóm bạn: An, Thu, Thành đi rỉ tai các bạn trong lớp kế hoạch hành động.

 

Hôm ấy, đến giờ “thày” Nhân giảng bài. Ông này vừa bước vào cửa lớp, cả lớp đang ra chơi chạy ùa vào, chen lấn, xô đẩy huyên náo. Bạn Thành giả bộ ngã đổ vào “thày”, nhanh tay túm ngay lưng quần “thày” Nhân, rồi la lên: “Ơ... Thày giáo có súng tụi bay ơi...! Thế là cả lũ “học trò tinh nghịch” la ó ầm ĩ: “Thày giáo có súng! Thầy giáo là mật vụ tụi bay ơi...! Các lớp kế bên thấy vậy cũng ùa ra xem và bàn tán xôn xao. “Thày” Nhân được bữa lộ diện, tẽn tò, mặt hằm hằm cay cú. Lão cố tìm kẻ chủ mưu để trị, nhưng bất lực. Từ đấy học sinh trong lớp bất bình không học giờ Công dân giáo dục. Thế là, ông “thày” đội lốt phải đánh bài chuồn. Nhà trường phải lao đao vì bị phụ huynh chất vấn.

Nghe xong chuyện, tôi hỏi chị Thắng: “ Lâu nay chị có gặp lại bạn bè trong lớp cũ không?”. Chị Thắng im lặng một hồi, rồi nghẹn ngào nước mắt: “Các bạn ấy còn khổ lắm...!”. Trong sự ân hận vì câu hỏi vô tình, tôi nhận ra những giọt nước mắt của chị không phải sự mủi lòng từ kỷ niệm, mà nó lớn lao hơn thế.

Một lần đi công tác ở Huế, hết giờ làm việc chiều, tôi nhờ anh Tài, lái xe Sở Du lịch thành phố, chở tôi về làng Hiền Sỹ, Phong Sơn, thuộc huyện Phong Điền. Nơi này thời chống Mỹ, những người lính giải phóng chúng tôi đã được bà con chở che, đùm bọc. Bom đạn Mỹ cày xéo làng xóm điêu tàn. Nhà nào cũng có thương binh, liệt sĩ. Buổi tối hôm đó, tôi không kịp về ăn cơm cùng Đoàn công tác. Khi về, chị Thắng lo tôi đói và hỏi sao về muộn. Tôi “trình bày” về thăm khu căn cứ, mắc chuyện trò cùng bà con cô bác. Chị hỏi: “Có đưa quà cáp gì về cho bà con không?”. Tôi nói: “Có mua cả cốp xe bánh kẹo, đường sữa làm quà mà thấy chẳng bõ bèn gì. Thấy bà con lam lũ cực nhọc quá mà thu nhập chẳng được bao nhiêu. Túi tôi có mấy triệu đồng, tôi chia ra biếu được dăm bảy người, vẫn chưa đủ. Tôi chỉ để lại một trăm nghìn đồng để khi về trả lệ phí sân bay”. Chị Thắng bảo: “Sao anh không nói để tôi chung góp”. Tôi hơi bối rối không biết trả lời chị thế nào, đành đánh lảng bằng việc tiếp tục kể chuyện về gia cảnh khó khăn của các cụ, các anh, các chị ở Hiền Sỹ mà tôi vừa thăm. Người kể, người nghe, một lát sau tôi quay sang, thấy chị Thắng nước mắt nhòe mờ kính. Một lần nữa tôi nhận ra từ trong sâu xa những giọt nước mắt của chị.

Những năm đầu đổi mới, cũng là những năm ngành du lịch gặp vô vàn những khó khăn. Do Tổng cục Du lịch mới được thành lập lại nên đội ngũ cán bộ có những “chắp vá” nhất định. Trước cơ chế thị trường, một số cán bộ trong cơ quan đã mắc sai lầm, khuyết điểm. Sau khi thanh tra, kết luận và các đơn vị đã làm những thủ tục kiểm điểm cán bộ vi phạm, với tư cách Phó Bí thư Đảng ủy, tôi lên phòng làm việc của chị, trình ký các văn bản kỷ luật cán bộ, đảng viên. Chị Thắng ngồi im lặng hồi lâu. Rồi chị hỏi tôi: “Anh còn phân vân gì không?”. Tôi trả lời: “Cán bộ vi phạm đã rõ ràng, đã qua bỏ phiếu thống nhất kỷ luật của tập thể…”. Chị đọc đi, đọc lại từng trang văn bản. Đứng lên, ngồi xuống, lại đứng lên, khó khăn lắm chị mới cầm bút, ký. Và thật không ngờ, những giọt nước mắt ứa lăn trên gương mặt chị. Chị nói lạc giọng: “Đây là đồng chí, đồng đội của chúng ta…”. Tôi vẫn nghĩ mình là người đàn ông cứng rắn, nhưng trước ngữ cảnh ấy, tôi cũng thấy chùng lòng… Một lần nữa, tôi lại nhận thấy sự lớn lao trong con người chị Thắng.

Chống tiêu cực, tiêu cực phản hồi, đó là quy luật tất yếu của thực tiễn. Chị Thắng là người thẳng thắn, trung thực, không chấp nhận và đấu tranh đến cùng với những cán bộ trong cơ quan lợi dụng quyền hành để vụ lợi. Do vậy, có một nhóm người tiêu cực đã âm thầm lập mưu chống trả. Họ lợi dụng vị trí công việc, các mối quan hệ, tìm mọi phương sách trả đũa. Họ làm đơn vu cáo, tung tin thất thiệt về chị. Trong cơ quan có người bán tín, người bán nghi, ì xèo lan  tỏa. Lúc đó, vừa phải xây dựng một ngành kinh tế du lịch non trẻ, vừa phải cùng toàn quốc đưa du lịch vượt qua khủng hoảng kinh tế, đương đầu với tác hại của dịch SARS, chị Thắng còn phải đương đầu với những vu cáo “tày đình”. Giữa ban ngày có người đột nhập phòng làm việc của chị lục lọi, bới tìm. Rồi họ đe dọa, khủng bố tinh thần. Thậm chí còn có kẻ tung tin sẽ bắt chị Thắng cùng một số cán bộ dưới quyền. Không khí cơ quan căng thẳng, nặng nề. Nhưng, chị Thắng vẫn tỉnh queo, vẫn cười tươi, vẫn làm việc hết mình. Và, khi mọi việc đã được kết luận làm sáng tỏ, những kẻ xấu bị ra tòa, bị xử lý, tôi đến để chia sẻ chút vui mừng công lý. Nhưng, tôi lại thấy chị khóc. Chị không mừng cho bản thân được giải oan, mà buồn cho bạn bè, đồng chí đã mất chất. Chị buồn cho “nhân tình thế thái”.

Nhân lúc giải lao tại một cuộc họp sau đó, tôi kể chuyện này cho anh Vũ Quốc Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Anh Vũ Quốc Hùng nghe xong, nói: “Đấy là nước mắt của một Đảng viên trung kiên, nước mắt của người Cộng sản, người Anh hùng”.

Sau này, có đôi lần khi gặp những nghịch cảnh, trái ngang, tôi cũng gặp những giọt nước mắt chị Thắng. Tôi biết không đơn giản là những giọt nước mắt của người phụ nữ đa cảm. Nó tích tụ lớn lao hơn những cảm nhận trực quan. Tôi tự hỏi, phải chăng đó là nước mắt hồi tưởng thời nữ sinh cùng bạn bè đoàn kết đấu tranh chống xâm lăng học đường? Phải chăng nước mắt nuối tiếc vì viên đạn lép, vì đêm tối sợ ám sát nhầm vào vợ con tên ác ôn, nên chị mới bị sa vào tay giặc? Hay nước mắt của “nhân tình thế thái”, nước mắt của tình thương đồng đội, nhân dân, nước mắt của trách nhiệm? Cuối cùng, tôi gút lại, có lẽ là nước mắt của tất cả! Vì tất cả.

Cũng như “Nụ cười chiến thắng” ngạo nghễ, lạc quan nhưng ẩn chứa trong đó cả một tâm hồn dân tộc thời chống giặc ngoại xâm, thì những giọt nước mắt của chị cũng ẩn chứa chất chồng những nỗi niềm trăn trở, vị tha, nhân hậu, lương tâm, trách nhiệm của người Cộng sản, của triệu triệu con dân nước Việt trước Tổ quốc và Nhân dân...

Vĩnh biệt chị Võ Thị Thắng, tôi càng hiểu thêm vì sao “Nụ cười chiến thắng” chị để lại còn mãi mãi trong tôi, mãi mãi trong lòng dân tộc./.

Vào lúc 7h30 sáng qua (25/8), tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng TP.HCM, Lễ truy điệu bà Võ Thị Thắng, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch đã được tổ chức trọng thể.

Thể hiện lòng tôn kính người nữ đảng viên Cộng sản kiên trung, bất khuất, trong những ngày qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hơn 350 đoàn trong và ngoài nước đã đến viếng, gửi vòng hoa và gửi điện chia buồn.

Đọc điếu văn tại lễ truy điệu, trong niềm tiếc thương sâu sắc, ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, Trưởng ban lễ tang xúc động ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của bà Võ Thị Thắng, người con của Nam bộ thành đồng với “nụ cười chiến thắng” đã trở thành một trong những biểu tượng cao đẹp cho thế hệ anh hùng trong cuộc kháng chiến giành độc lập - tự do - thống nhất đất nước. Tinh thần Võ Thị Thắng là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.

Trước đó, vào sáng 23/8, đến viếng và chia buồn sâu sắc với gia đình bà Võ Thị Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ghi sổ tang: “Vô cùng thương tiếc vĩnh biệt đồng chí Võ Thị Thắng, người đảng viên cộng sản kiên trung bất khuất - Nụ cười Võ Thị Thắng sống mãi với dân tộc Việt Nam”.

Bà Võ Thị Thắng sinh ngày 10/1/1945 tại xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Bà là nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII và khóa IX; Đại biểu Quốc hội khóa IX, X, XI; nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Bà Võ Thị Thắng mất hồi 8h20’ ngày 22/8 tại TP HCM, hưởng thọ 69 tuổi.

Phạm Huỳnh Công/Báo VOV
 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay3,796
  • Tháng hiện tại71,057
  • Tổng lượt truy cập41,251,658
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây