Những “trận đánh lớn” của Thống đốc Bình

Thứ tư - 23/12/2015 01:25 598 0
Lãi suất, tín dụng, tỉ giá, thị trường vàng... bức tranh tài chính, tiền tệ đã dần ổn định sau gần 5 năm đảm nhiệm vai trò Thống đốc Ngân hàng Nhà nước của ông Nguyễn Văn Bình

Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhậm chức vào năm 2011 cũng là mặt bằng lãi suất cho vay ở mức cao chót vót, 20%-25%/năm, tỉ giá biến động mạnh, lạm phát ở mức cao, thị trường vàng rối loạn... nhưng đến cuối năm 2015, mọi yếu tố này gần như được giải quyết. Đặc biệt, trần lãi suất tiền gửi từ 14%/năm xuống còn 5,5%/năm kéo lãi suất cho vay lùi về 7%-11%/năm.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình
Thống đốc Nguyễn Văn Bình

9 lần giảm trần lãi suất

Theo GS-TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, lãi suất là bài toán khó vì lãi suất cao sẽ giảm tiêu dùng và đầu tư. Đầu năm 2011, mặt bằng lãi suất cho vay trên 20%/năm - một kết quả của tình trạng căng thẳng thanh khoản phát xuất từ nhu cầu vốn đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, tăng vốn điều lệ của giai đoạn trước đó. Còn các ngân hàng (NH) chạy đua lãi suất, thị trường ngoại hối cũng bất ổn...

“Để điều trị những “vết xước” của thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi đó quyết định áp trần lãi suất để giảm động cơ cạnh tranh không lành mạnh, siết chặt kỷ luật thị trường và gia tăng cơ hội tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp. Khi mặt bằng lãi suất ổn định, từ giữa năm 2012, NHNN từng bước thả nổi lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, rồi rút xuống kỳ hạn 6 tháng trở lên. Từ đó đến nay, trần lãi suất tiền gửi VNĐ có 9 lần giảm từ 14%/năm xuống 5,5%/năm. Lãi suất cho vay theo đó cũng dần dần hạ nhiệt”- GS-TS Trần Thọ Đạt nói.

Số liệu thống kê cũng cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay hiện chỉ bằng khoảng 50% so với cuối năm 2011. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 7%-9%/năm, trung và dài hạn ở mức 9%-11%/năm, các DN có tình hình tài chính lành mạnh, dự án khả thi thì lãi suất chỉ còn 5%-6%/năm.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng ngành NH đã đưa ra nhiều chương trình tín dụng thể hiện tư duy đổi mới và sáng tạo nhằm giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Điển hình là NHNN đã chỉ đạo triển khai thí điểm mô hình cho vay tín chấp theo đó các DN làm ăn tốt không có tài sản thế chấp vẫn được vay vốn. Hoặc mô hình cho vay theo chuỗi liên kết, cho vay với những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho vay vào những lĩnh vực Nhà nước ưu tiên đặc biệt là nông nghiệp, thủy sản để phân dòng tín dụng và đẩy vốn vào lĩnh vực sản xuất, đảm bảo hiệu quả việc sử dụng vốn.

Tỉ giá bớt căng thẳng

Cùng với lãi suất, trước năm 2011, khi thị trường ngoại tệ căng thẳng do tác động của giá vàng thế giới và lạm phát tăng cao, NHNN đã tăng mạnh tỉ giá USD/VNĐ lên tới 9,3% (giữa tháng 2- 2011). Sau đó, tỉ giá được điều chỉnh không quá 1% trong các tháng cuối năm 2011 và không quá 2-3% trong năm 2012 và 2013; không quá 1-2% trong năm 2014.

Đến đầu tháng 8-2015, khi thế giới “chấn động” bởi việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ lên tới 5%, NHNN đã kịp thời điều chỉnh tăng tỉ giá USD/VNĐ, đồng thời nới rộng biên độ giao dịch nhằm chủ động dẫn dắt thị trường. Động thái này của NHNN đã nhanh chóng bình ổn tỉ giá, ổn định tâm lý người dân và doanh nghiệp. Các chuyên gia cũng nhận định việc điều hành tỉ giá quyết liệt hồi tháng 8 cũng là bước đi hợp lý, lường trước được việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hiện thực hóa việc tăng lãi suất cơ bản đồng USD từ 0%-0,25%/năm lên 0,25%-0,5% hôm 16-12 vừa qua sẽ gây sức ép nhất định đối với tỉ giá USD/VND thời điểm cuối năm 2015 và đầu năm 2016.

Tỉ giá luôn là bài toán làm đau đầu các doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý. Ảnh: Tấn Thạnh
Tỉ giá luôn là bài toán làm đau đầu các doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý. Ảnh: Tấn Thạnh

Sau động thái này, một số DN cho rằng NHNN phá vỡ cam kết điều chỉnh tỉ giá hồi đầu năm khiến hoạt động kinh doanh của họ gặp khó khăn. Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp kinh doan phải có phương án bảo hiểm biến động tỉ giá, không thể trách cơ quan quản lý được.

Bên cạnh ổn định tỉ giá, NHNN chú trọng điều hành lãi suất nội tệ và ngoại tệ phù hợp lợi ích nắm giữ VNĐ, khuyến khích công chúng chuyển từ nắm giữ USD sang VNĐ. Nếu như từ năm 2011 trở về trước, trần lãi suất huy động bằng USD luôn duy trì ở trong khoảng 0,5%- 2%/năm thì đến tháng 10-2014 đã hạ dần về 0,25% - 0,75%/năm.

Mới đây nhất, quyết định ngày 17-12 của NHNN có hiệu lực từ 18-12 quy định cá nhân, tổ chức gửi tiền bằng USD tại các NH thương mại sẽ nhận lãi suất 0%/năm. Lãi suất tiền gửi VNĐ lại cao hơn rất nhiều lần, khiến người dân ồ ạt bán USD. Kết quả là từ giữa năm 2011 đến đầu năm 2015, NHNN bỏ ra rất nhiều VNĐ để thu mua gần 8 tỉ USD, bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước nhưng vẫn không làm cho lạm phát tăng cao.

Theo ông Sanjay Karla - Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, tỉ giá ổn định chính là cái neo có giá trị giúp tăng niềm tin tin vào VNĐ. Việc điều chỉnh tỉ giá ở mức nhỏ theo từng bước được tính toán kỹ đã giúp giữ tính cạnh tranh của VNĐ. Các giải pháp quản lý thị trường vàng của Chính phủ Việt Nam đã đạt được những thành công. Dù giá vàng thế giới thời gian qua có nhiều biến động mạnh, nhưng giá vàng trong nước không có nhiều xáo trộn. Chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước tăng lên, nhưng tỉ giá vẫn bình ổn, qua đó giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Thị trường vàng hết thời “làm loạn”

Việc tỉ giá ổn định không tự nhiên mà có, tự thân NHNN đã nhìn thấy và đã gỡ "kíp nổ tỉ giá", đó là gỡ bỏ vàng ra khỏi hệ thống NH. Những biện pháp hành chính được cho là khắc nghiệt nhưng đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho nền kinh tế.

Trong năm 2011 và 2012, giá vàng thế giới biến động khó lường, tác động bất lợi đến tỉ giá. Trong khi đó, các quy định quản lý hoạt động kinh doanh vàng còn chưa chặt chẽ, nhu cầu đầu cơ vàng lớn cũng gây sức ép lên tỉ giá, gây ra nhiều hệ lụy tác động tiêu cực ổn định kinh tế vĩ mô.

Để ổn định thị trường ngoại hối, NHNN phải xây dựng một khuôn khổ pháp lý điều tiết chặt chẽ thị trường vàng, đó là lý do Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ra đời nhằm tổ chức, sắp xếp lại thị trường vàng, giao cho NHNN cấp phép đối với hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; tổ chức sản xuất vàng miếng; tổ chức xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và tổ chức huy động và mua, bán vàng miếng.

Trên cơ sở Nghị định số 24, NHNN đẩy nhanh việc chuyển quan hệ huy động, cho vay vàng sang quan hệ mua, bán vàng; tất toán huy động vàng và giảm số dư cho vay vốn bằng vàng. Để tạo nguồn cung cho thị trường, giúp thu hẹp sự mất cân đối về cung cầu, can thiệp bình ổn thị trường vàng, hoạt động đấu thầu vàng được diễn ra công khai, minh bạch.

Đến cuối năm 2013, NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu, tạo nguồn cung 68,25 tấn vàng; thu về cho ngân sách trên 7.000 tỉ đồng. Tháng 7-2013, 18 NH thương mại đã mua đủ vàng để tất toán huy động vốn bằng vàng.

Đến tháng 4-2015, dư nợ cho vay vàng của toàn hệ thống chỉ còn khoảng 2 tấn (giảm 90% so với ngày 30/4/2012), qua đó chấm dứt tình trạng vàng hóa trong hệ thống NH, làm giảm tính hấp dẫn của vàng miếng, giảm thiểu hoạt động đầu cơ vàng, chuyển hóa nguồn lực từ vàng sang VNĐ để đưa vào sản xuất, kinh doanh làm tăng số lượng tiền gửi tại các NH.

Nguồn tin: NLĐ Online

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay1,645
  • Tháng hiện tại73,051
  • Tổng lượt truy cập41,357,251
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây