|
Chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp
“Nghe tin thầy mất, mấy hôm nay cả trường rất buồn. Thế là từ nay trường sẽ không được đón thầy về thăm trường nữa rồi”, cô Phan Thị Thắng - Hiệu trưởng trường Thăng Long bùi ngùi nói.
Những năm cuối thập kỷ 30 của thế kỷ trước, chàng thanh niên Võ Nguyên Giáp về dạy ở Trường tư thục Thăng Long, tên gọi cũ của Trường tiểu học Thăng Long.
Trang web wikipedia cho hay khoảng giữa năm 1939, Tướng Giáp về dạy ở trường. Nhưng theo cô Thắng, thông tin từ trung tướng Phạm Hồng Cư - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, một người thân của Tướng Giáp - thì thầy giáo Võ Nguyên Giáp dạy lịch sử ở trường từ quãng thời gian 1936 - 1939.
Dạy lịch sử, mục đích của thầy giáo Giáp là để hun đúc tinh thần dân tộc và yêu nước cho lớp học sinh mà ông giảng dạy.
|
Sau này, tuy không còn dạy ở trường nữa nhưng khi có dịp Đại tướng nhiều lần đều đến thăm vào dịp trường đón nhận huân chương lao động, khai giảng hay là dịp họp mặt ba thế hệ giáo viên dạy ở trường.
“Thế hệ thứ nhất là những người dạy ở trường trước Cách mạng tháng Tám như thầy Giáp. Thế hệ thứ hai là những người dạy sau Cách mạng tháng Tám. Còn thế hệ thứ ba là những giáo viên hiện đang giảng dạy. Dịp họp mặt này cũng là dịp để giáo viên và học sinh ôn lại truyền thống của trường”, cô Thắng nói.
Điều mà các giáo viên và bản thân cô Thắng cảm thấy vinh dự là không chỉ quan tâm mà Đại tướng còn giao trọn sự tin tưởng khi rất nhiều người cháu của Đại tướng đã và đang học ở trường.
“Trước đây là cháu Võ Thanh Trung, Võ Nguyên Phong. Hiện cháu Võ Trường Giang đang học và sắp tới con của anh Võ Điện Biên cũng sẽ học ở trường. Thầy Giáp luôn dặn chúng tôi là ngoài việc dạy chữ còn phải dạy các cháu làm người. Xuất thân từ một gia đình hiếu học, được rèn luyện nề nếp đạo nghĩa từ nhỏ nên những người cháu của thầy rất ngoan và học rất giỏi”, cô Thắng cho hay.
Từng là thầy giáo nên Đại tướng luôn khuyến khích việc đọc và tự học. Hằng năm, ông thường tặng Trường tiểu học Thăng Long những đầu sách do ông viết hay những đầu sách mà gia đình Đại tướng tuyển chọn.
Cô Thắng nói: “Từ việc tặng sách của thầy đã tạo ra nề nếp để nhà trường phát động phong trào góp một cuốn sách nhỏ để đọc một ngàn cuốn sách hay”.
|
Trung Hiếu
Nguồn tin: Thanhnien