Ngày 25.6, trao đổi với Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sĩ Đồng cho hay đã chỉ đạo UBND H.Vĩnh Linh tạm dừng cấp phép việc cải tạo, hạ độ cao đất nông nghiệp từ ngày 24.6 và đề nghị các hộ đã được cấp phép dừng khai thác, chờ Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), Sở NN-PTNT kiểm tra lại...
Huyện cấp phép...
Theo ghi nhận của Thanh Niên, do gặp đại hạn, chưa gieo cấy được vụ hè thu nên nông dân các xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Vĩnh Nam... đã làm đơn gửi các cấp xin phép cải tạo, hạ độ cao với đất ruộng nhà mình. Sau khi Phòng TN-MT huyện thẩm định, UBND H.Vĩnh Linh đã cấp phép đồng ý. Số đất khai thác này đã được bán cho các lò gạch trên địa bàn với giá trên dưới 60.000 đồng/m3. Chỉ riêng xã Vĩnh Thủy đã có 12 hộ thuộc danh sách được cho phép hạ độ cao mặt ruộng với diện tích 6.500 m2, độ sâu 0,25 m. Tuy nhiên thực tế nhiều mảnh ruộng đã bị hạ độ cao đến 0,5 m hoặc hơn, trong đó có nhiều mảnh ruộng trước đó màu mỡ, bằng phẳng.
|
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Nam Lê Viết Cao thừa nhận việc người dân bán đất mặt ruộng không phải xảy ra lần đầu ở địa bàn mà nhiều năm trước cũng có. Nhưng năm nay, khi một lò gạch trên địa bàn đứng ra thu mua và được nhiều nông dân hưởng ứng khiến diện tích bị đào bới lớn hơn. Chính vì thế những ngày trước khi có chỉ đạo tạm dừng của tỉnh, tại các cánh đồng lúa của nhiều xã thuộc H.Vĩnh Linh, những chiếc xe múc xuất hiện lừng lững, cạo đất rồi đổ lên các xe tải đang nối đuôi đợi sẵn chở thẳng đến các lò gạch.
Ở góc độ chuyên môn, ông Trần Thanh Hiền, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị nhìn nhận việc khai thác đất như trên là lợi bất cập hại và chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng về sau. Theo ông Hiền, tầng đất sét phía dưới bị khai thác sẽ bị xáo trộn cấu trúc đất, dễ sụt lún, khó cơ giới hóa, lúa dễ đổ ngã, thu hoạch khó, năng suất giảm, công lao động gia tăng. Và những mảnh ruộng này dù có bón phân rất nhiều cũng phải mất từ 5, 6 năm mới phục hồi được.
Nhà nước nghiêm cấm
Mới đây, bà Trần Thị Yến Châu, Phó chủ tịch UBND H.Chợ Mới (An Giang), đã ký công văn gửi chủ tịch UBND các xã, thị trấn chấn chỉnh việc bán lớp đất mặt làm nguyên liệu sản xuất gạch ngói. Theo đó, thời gian gần đây nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện đã tự ý bán lớp đất mặt với độ sâu từ 0,3 - 0,5 m cho các cơ sở làm nguyên vật liệu sản xất gạch ngói, nhất là ở các xã Long Giang, Nhơn Mỹ, Mỹ Hội Đông, Long Kiến, An Thạnh Trung, Kiến An… Việc khai thác này đã làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, tạo vùng gò trũng dẫn đến việc canh tác nông nghiệp không đồng bộ, giảm chất lượng cây trồng. Để kịp thời chấn chỉnh tình hình trên, UBND huyện yêu cầu các chủ tịch UBND các xã, thị trấn khẩn trương thực hiện các công việc như tổ chức kiểm tra tình hình khai thác lớp đất mặt làm nguyên liệu gạch ngói gốm. Nếu xét thấy việc khai thác đó làm thay đổi hiện trạng, ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất nông nghiệp thì tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính...
Công văn của UBND H.Chợ Mới cũng yêu cầu các xã thông báo rộng rải việc nhà nước nghiêm cấm khai thác lớp đất mặt để làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói, gốm đến các tổ chức, cá nhân có cơ sở sản xuất gạch ngói, ép gạch mộc và các hộ dân có hoạt động tham gia mua bán đất dùng làm nguyên liệu sản xuất. Mọi trường hợp khai thác tầng đất mặt phải tuân theo quy hoạch cải tạo đất gò cao được UBND tỉnh phê duyệt.
Thanh Niên
Nguồn tin: Thanhnien