Chiều 25-3, Hội Nghề cá Việt Nam đã chính chức có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ NN-PTNT, Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kịch liệt phản đối phía Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và lên án hành động dùng vũ lực tấn công ngư dân Việt Nam.
Kịch liệt phản đối
Chiều cùng ngày, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về việc tàu cá QNg 96382 TS của ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) bị tàu cá Trung Quốc bắn cháy cabin khi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết: “Theo thông tin mà chúng tôi nhận được, chiếc tàu này đã bị phía Trung Quốc bắn cháy mui, rất may không có ai bị thương”.
Trước hành động phi pháp này của Trung Quốc, chiều 25-3, Hội Nghề cá Việt Nam chính thức có văn bản lên án và kịch liệt phản đối phía Trung Quốc xâm phạm vùng chủ quyền biển đảo của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế. Hội Nghề cá cũng yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường những thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
“Đề nghị các cơ quan hữu quan của Việt Nam phải có kiến nghị và lên tiếng phản đối hành động sai trái này, đồng thời yêu cầu phía Trung Quốc phải chấm dứt ngay những hành động sai trái đó” - ông Thắng bày tỏ.
Ngoài ra, Hội Nghề cá Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ, các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam phải bảo vệ cho được ngư dân Việt Nam đánh cá trên vùng biển hợp pháp của mình, giúp bà con yên tâm hành nghề trên biển.
“Không thể chấp nhận được”
Ông Trần Cao Mưu, Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết thời gian vừa qua, phía Trung Quốc không chỉ một mà nhiều lần xâm phạm chủ quyền biển đảo và uy hiếp tính mạng, tài sản của ngư dân Việt Nam. Hành động của phía Trung Quốc không chỉ là xua đuổi, dùng vòi rồng phun nước mà còn dùng cả súng để bắn vào tàu thuyền của ngư dân Việt Nam. Như vậy, sự ngang ngược này đã phát triển lên một bước, đó là dùng vũ lực để uy hiếp ngư dân.
“Đây là một hành động không thể chấp nhận được. Những hành động này có tính leo thang, lặp đi lặp lại một cách hệ thống để lấn át ngư dân Việt Nam nhằm thực hiện mưu đồ lớn hơn. Việc phía Trung Quốc dùng vũ lực uy hiếp ngư dân Việt Nam đã thể hiện ý đồ xâm lược vùng biển đảo của Việt Nam. Hội Nghề cá Việt Nam lên án những hành động ngang ngược, trái với tình hữu nghị giữa hai nước, trái với luật pháp quốc tế” - ông Mưu bức xúc.
Ông Mưu cho biết Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có biện pháp hữu hiệu và mạnh mẽ hơn để ngăn chặn ngay và kịp thời những hành động ngang ngược đó của phía Trung Quốc nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất và tính mạng của ngư dân Việt Nam.
MUỐN BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO PHẢI CÓ LỰC LƯỢNG BẢO VỆ BỜ BIỂN NGĂN CHẶN CÁC TÀU VI PHẠM Ngày 21/6/2012 Quốc hội đã thông qua luật biển, Luật Biển Việt Nam là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng, bảo vệ chủ quyền, đặc biệt là tạo hành lang phát triển kinh tế biển. Để bảo vệ được chủ quyền biển đảo,vùng đặc quyền kinh tế của nước ta , Bộ Quốc phòng cần tổ chức lực lượng thường trực có trang thiết bị hiện đại để bảo vệ bờ biển như nước Nga,Nhật, chỉ đạo các lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng tăng cường tuần tra, nếu phát hiện các tàu lạ các nước khác đến xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, cần thiết phải kiên quyết bắt giữ các tàu vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đối với quần đảo Hoàng sa, Trường sa, chúng ta đã có nhiều chứng cứ lịch sử xác định rõ chủ quyền không thể chối cãi được, đã đến lúc chúng ta phải bằng mọi giá ngăn chặn không để phía Trung Quốc thực hiện ý định của họ, nếu không bảo vệ được thì toàn bộ diện tích vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền của nước ta trên 160.000km2 sẽ bị xâm phạm. Do vậy, Bộ Ngoại gia nước ta sớm đưa vụ việc trên báo cáo trước Đại hội đồng liên hiệp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè và các nước trên thế giới biết ủng hộ, nếu Trung Quốc vẫn không chấp nhận thì tiếp tục đề nghị Tòa án quốc tế về Luật biển của Liên hiệp quốc đứng ra giải quyết tranh chấp. MINH TRÍ