Khám phá độc đáo này là của nhà thiên văn trẻ tuổi Cleo Loi, một nữ sinh viên ở Đại học Sydney, Úc. Nó cung cấp những bằng chứng về giả thuyết tồn tại những luồng plasma cách xa bề mặt
Trái đất.
Bằng các công nghệ hiện đại, các nhà khoa học có thể theo dõi hoạt động của các luồng plasma này. Họ có thể tạo ra các đoạn phim, thậm chí là bản đồ 3D mô phỏng hoạt động của chúng. Những luồng vật chất này có kích thước rất lớn, di chuyển theo đường sức từ của Trái đất.
Vùng không gian xung quanh Trái đất bị từ trường của chính nó tác động, các nhà khoa học gọi đó là từ quyển. Tuy nhiên, khu vực này cũng tồn tại nhiều plasma do không khí bị ion hóa dưới tác động từ
mặt trời. Chính xác là plasma tồn tại ở tầng điện ly, lớp trong cùng của từ quyển.
Để phát hiện luồng plasma, Cleo Loi đã sử dụng kính thiên văn vô tuyến Murchison Widefield Array (MWA) được lắp đặt trên sa mạc ở miền tây nước Úc.
Mỗi luồng plasma rộng từ 10 đến 50 km, có thể kéo dài từ vài trăm đến hàng nghìn km. Chúng có khả năng hạn chế sự tác động của các tia bức xạ vũ trụ đến Trái đất, cô Loi cho biết.
Ngoài ra, plasma còn có thể tác động đến các thiết bị nhân tạo trên không trung. Nắm rõ sự hoạt động của chúng sẽ giúp các nhà khoa học hạn chế ảnh hưởng của chúng đến các vệ tinh truyền thông và thiên văn vô tuyến.
Ngọc Quý