Phát hiện nhiều người nước ngoài phá hoại kinh tế Việt Nam

Thứ hai - 09/12/2013 19:57 1.221 0
Gần đây, một số người nước ngoài vào Việt Nam bằng visa du lịch, nhưng lại bắt mối làm ăn “chui” với một số cá nhân, cơ sở nội địa, có dấu hiệu gây hại cho hoạt động kinh tế tại địa phương.

 Một người Thái Lan đang diễn cách kiểm tra chất lượng sầu riêng
Một người Thái Lan đang diễn cách kiểm tra chất lượng sầu riêng - Ảnh: M.T

Thu mua vịt đẻ giết thịt

Ngày 8.12, thông tin từ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an TP.Cần Thơ, cho biết cơ quan này đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an ninh trật tự với số tiền 10 triệu đồng/người đối với Long Guo Liang (45 tuổi) và Feng Bing (46 tuổi, cùng quốc tịch Trung Quốc) về hành vi “Có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền ...”; đồng thời rút ngắn thời hạn tạm trú, buộc 2 người này xuất cảnh trước hạn.

 

 
 

Dấu ấn xấu cho sầu riêng Việt Nam

Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Phó hiệu trưởng Trường đại học Tiền Giang, phân tích: “Theo tôi, nếu nông dân hái sầu riêng non bán rồi sau đó các thương nhân nước ngoài đem nhúng hóa chất trước khi xuất khẩu thì sẽ gây hậu quả khó lường, bởi đem sầu riêng non ép chín rồi đem bán thì chẳng khác nào lừa đảo. Trước hết là không bảo đảm chất lượng, nếu xuất khẩu sẽ để lại dấu ấn xấu cho thị trường, vì người ta sẽ nghĩ sầu riêng của Việt Nam... lạt nhách”.

H.Ph

 

Theo thông tin từ cơ quan công an, Liang và Bing đã nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái, sau đó đến tạm trú để giám sát giết mổ vịt tại cơ sở giết mổ gia cầm của ông Võ Đức Nghĩa, tại KV.15 (P.Châu Văn Liêm, Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ). Hoạt động kiểm tra giám sát giết mổ gia cầm của Liang và Bing chưa được các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam cấp phép. Trước đó, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an TP.Cần Thơ cũng đã phát hiện và xử phạt, buộc xuất cảnh trước hạn nhiều thương lái Trung Quốc đến Q.Ô Môn để thuê người dân nuôi và thu mua ốc bươu vàng xuất sang Trung Quốc.

Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế Q.Ô Môn, thời gian gần đây, trên địa bàn quận đã xuất hiện một số thương lái Trung Quốc đến tạm trú để thu mua vịt đẻ của nông dân với số lượng lớn và giá cao hơn thị trường, sau đó đưa vào các lò giết mổ để gia công, đóng gói, vận chuyển ra Móng Cái xuất sang Trung Quốc.

Tẩm hóa chất vào sầu riêng xuất khẩu

Tại Tiền Giang, từ nguồn tin của người dân cung cấp, ngày 6.12, các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc Công an tỉnh phối hợp cùng Công an H.Cai Lậy kiểm tra hành chính cơ sở chế biến trái cây của Công ty TNHH TM Thái Lan và vựa trái cây Sang Hương tại chợ trái cây Long Trung (xã Long Trung, H.Cai Lậy). Tại đây, cơ quan công an phát hiện 8 người nước ngoài mang quốc tịch Thái Lan nhập cảnh và lao động trái phép tại Việt Nam.  

Làm việc với cơ quan công an, nhóm người mang quốc tịch Thái Lan khai tên là SiriRuang, SurSing, Aumsuepchue (lưu trú tại cơ sở của Công ty TNHH TM Thái Lan) và Phaeyai, PhuangKan, SrikanmSuk, Kiadthawiphong, Sutham (lưu trú tại vựa trái cây Sang Hương). Họ cho biết đã nhập cảnh vào Việt Nam hơn một tháng qua bằng visa du lịch. Khi đến Việt Nam, theo yêu cầu của các “ông chủ” từ Trung Quốc và Indonesia, họ được đưa tới Tiền Giang lưu trú để tuyển lựa những trái sầu riêng ngon, chất lượng, xuất khẩu đi Trung Quốc và Indonesia. Hóa chất được họ mang từ Trung Quốc sang, còn việc nhúng hóa chất thì thuê người Việt Nam tại địa phương làm.

Vựa trái cây Sang Hương do ông Khổng Minh Sang làm chủ. Làm việc với cơ quan công an, ông Sang khai cơ sở của ông đứng ra mua sầu riêng của nhà vườn và xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng ông Sang chỉ lo chỗ ăn, ở cho nhóm người Thái Lan, còn tiền công và chi phí thì công ty nước ngoài lo. Trong khi đó, bà Trần Thị Thu Thanh, Phó giám đốc Công ty TNHH TM Thái Lan, nói sau khi tổ chức mua và tuyển chọn sầu riêng, 6 tháng qua cơ sở của bà đã xuất sang Indonesia 4 container.

Đưa hàng loạt thuốc không rõ nguồn gốc vào Việt Nam

Công an Tiền Giang đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với nhóm người nước ngoài nói trên. Theo đó, hành vi vi phạm của nhóm người Thái Lan có thể bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng mỗi người và chủ cơ sở cũng có thể bị xử phạt.

Cơ quan công an cũng đã lập biên bản thu giữ, niêm phong 6 mẫu thuốc không rõ nguồn gốc gồm một bịch bột màu vàng, một bình có chứa thuốc dạng lỏng màu vàng, một chai thuốc lớn dạng nước màu xanh, một chai thuốc có chứa chất lỏng đặc màu trắng... của cơ sở chế biến trái cây thuộc Công ty TNHH TM Thái Lan; đồng thời niêm phong, thu giữ 2 mẫu chất lỏng đặc màu trắng của vựa trái cây Sang Hương. Tất cả những loại hóa chất này đều không có nhãn hiệu, xuất xứ nguồn gốc và được nhóm người Thái Lan mang từ Trung Quốc sang.

 

Nguy cơ phá vỡ đàn gia cầm

 Giám đốc Sở NN-PTNT TP.Cần Thơ Phạm Văn Quỳnh cho biết: “Qua thông tin ngành nông nghiệp các quận, huyện báo cáo về thì chúng tôi sơ bộ đã nắm được vụ việc thương lái Trung Quốc đến mua vịt đẻ trên địa bàn. Đây là chuyện mua bán bất thường bởi thay vì mua vịt thịt thì các thương lái Trung Quốc lại mua vịt đẻ với giá cao hơn để hấp dẫn người dân. Nếu số lượng mua lớn sẽ có nguy cơ phá vỡ đàn gia cầm của Cần Thơ, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất chăn nuôi ở các hộ dân. Đây không phải là lần đầu thương lái Trung Quốc thu mua nông sản một cách bất thường ở ĐBSCL. Trước đó, tình trạng thu mua ốc bươu vàng cũng xảy ra ở nhiều nơi khiến không ít người lén lút nuôi, gây hại”.

Trong khi đó, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cũng cảnh báo thời gian qua nhiều mặt hàng của địa phương này được thu gom bất thường để xuất khẩu sang Trung Quốc, như khoai lang, chuối, sầu riêng và mới đây là mận xanh đường... “Việc thu mua của người Trung Quốc không ổn định, mặt hàng nào họ thu mua thì lúc ấy giá rất cao, sau đó thì giá lại thấp đến bất ngờ”, ông Liêm nói.

TS Vũ Anh Pháp, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cũng cảnh báo: “Đã có nhiều bài học cho người nông dân trong chuyện làm ăn với thương lái Trung Quốc như chuyện họ đổ xô mua khoai lang với giá cao ngất ngưởng rồi ngưng mua khi người dân trồng đại trà, đẩy nông dân vào thế điêu đứng. Hay rất nhiều vụ quỵt nợ cua ở Cà Mau, Thanh Long ở Long An, Bình Thuận... Còn một chuyện chúng tôi ghi nhận được mà ít được nhắc đến là việc thương lái Trung Quốc đang gián tiếp khuyến khích thu mua lúa chất lượng thấp. Việc làm này trước mắt có lợi cho nông dân nhưng về lâu dài thì khó mà giữ được lợi ích bền vững. Việc triển khai những giống lúa chất lượng cao để xây dựng thương hiệu gạo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trở ngại. Thậm chí chúng tôi đem giống chất lượng cao cho người dân và hỗ trợ họ kỹ thuật trồng nhưng họ nhất quyết không lấy mà vẫn trồng lúa chất lượng thấp để bán cho thương lái xuất qua Trung Quốc”.

Đình Tuyển - Thanh Đức

Minh Tâm - Mai Trâm

Nguồn tin: Thanhnien

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay1,999
  • Tháng hiện tại18,730
  • Tổng lượt truy cập41,199,331
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây