Kết thúc, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định: Bộ GTVT vẫn giữ quan điểm không đưa quy định xử phạt xe không chính chủ vào dự thảo lần 3, để tránh gây phiền hà cho người dân.
Hai bộ trái chiềuBà Lê Minh Châu - Vụ phó Vụ An toàn giao thông Bộ GTVT - thay mặt tổ soạn thảo cho biết, dự thảo lần 3 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” sau khi tiếp thu hơn 300 ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng và người dân đã đề nghị không đưa quy định xử phạt xe không chính chủ vào dự thảo, mặc dù Luật Giao thông đường bộ và thông tư của Bộ Công an (CA) đều đã quy định như vậy.
“Tuy nhiên, hiện nay hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn người dân sang tên phương tiện chưa thật rõ ràng, vì vậy bỏ quy định xử phạt xe không chính chủ trong dự thảo lần này là hợp lý. Nếu sau này khi có các quy định rõ ràng hơn có thể đưa quy định này vào” - bà Trịnh Minh Hiền - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giao thông Vận tải - nhấn mạnh thêm.
Trong khi đó, đại diện Bộ CA đều cho rằng cần thiết phải giữ nguyên quy định này, chỉ xem lại mức tiền phạt và cụ thể hóa các trường hợp xử phạt để việc xử phạt khả thi.
Cụ thể, đại tá Trần Sơn Hà - Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt - phân tích: Các văn bản quy định về hành vi không sang tên phương tiện đã rõ ràng, việc xử phạt không phải là mới. Hiện Bộ CA đang có chủ trương xử phạt qua tài khoản của chủ phương tiện và dùng camera giám sát xử phạt nguội nếu xe không chính chủ thì sẽ rất khó xử phạt. Hoặc trong một số vụ tai nạn giao thông hay các vụ trọng án, người gây tai nạn việc điều tra phương tiện mang tên người khác rất khó khăn. Mặt khác, phương tiện mang đúng tên chủ sở hữu cũng là nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân. Do vậy, cần đưa quy định phạt hành vi không chuyển tên vào trong dự thảo nghị định.
Thượng tá Đỗ Văn Cương - Vụ Pháp chế, Bộ CA - cho biết thêm, để đảm bảo thuận lợi cho người dân đi sang tên phương tiện, bộ đã ban hành thông tư 12, sửa đổi thông tư 36 trước đây, sẽ có hiệu lực từ 1.7. Bộ cũng có lộ trình cho phương án sang tên đổi chủ đến hết 2014, sau thời gian đó mới xử phạt xe không sang tên đổi chủ. Do vậy, cơ sở pháp lý để giữ quy định phạt xe không chính chủ trong dự thảo lần này đã đầy đủ. Điều cần thiết là xem xét mức phạt như thế nào cho hợp lý.
|
Lực lượng CSGT kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT. Ảnh: Kỳ Anh |
Đại diện Bộ Tư pháp - bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Pháp luật hình sự - hành chính - cho rằng: Nên đưa nội dung phạt người chưa sang tên đổi chủ khi người đó có một số hành vi vi phạm bị phạt nguội, hay gây tai nạn giao thông. Khi cảnh sát giao thông xử lý các hành vi này sẽ kết hợp phạt nếu phát hiện chủ xe đó không làm thủ tục sang tên.
Sẽ báo cáo Chính phủ xin biểu quyết Trước quan điểm không đồng thuận của hai bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện đã có, song trong quá trình thực hiện cho thấy tính khả thi không cao, có nguy cơ gây phiền hà cho người dân nên đề nghị không đưa vào dự thảo nghị định. Khi các cơ quan nghiên cứu về tính khả thi của các biện pháp xác minh nguồn gốc xe tốt hơn thì sẽ đưa quy định này vào nghị định.
Ông Thăng ví dụ: Khi một người vi phạm một hành vi khác bị phạt, song không xuất trình được giấy tờ chính chủ liền bị cộng thêm lỗi xe không chính chủ. Trong khi việc xác minh nguồn gốc xe chính chủ chưa thể ngay lập tức, người đó có thể bị tạm giữ xe để cảnh sát giao thông điều tra xe đó chính chủ hay không, việc này sẽ gây khó khăn cho dân. Dù Bộ CA không yêu cầu phải chứng minh nguồn gốc xe, song người thực thi công vụ trực tiếp vẫn có thể gây phiền hà cho dân. Vì thế,, khi việc xác minh xe chính chủ chưa thật thuận lợi thì chưa nên đưa quy định này vào để xử phạt.
“Nếu các bộ vẫn không đi đến đồng thuận được sẽ báo cáo Chính phủ cho biểu quyết” - ông Thăng kiên quyết.
Ý kiến bạn đọc
MINH TRI - 12/03/2013 20:23 RẤT ĐÚNG KHI RÚT BỎ QUY ĐỊNH XỬ PHẠT XE KHÔNG CHÍNH CHỦ
Khi áp dụng thực tế, một số quy định trong Nđ 71 khiến cả lực lượng thi hành nhiệm vụ và người điều khiển đều băn khoăn về tính khả thi, trong đó có quy định: người điều khiển ô tô không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định sẽ bị phạt 08 triệu đồng và đối với xe gắn máy sẽ bị xử phạt 01 triệu đồng.
Quy định này triển khai áp dụng không phù hợp nên đã dừng lại. Chiều 11-3, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã chủ trì buổi lấy ý kiến đóng góp về dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ, đường sắt và thống nhất rút bỏ quy định xử phạt xe không chính chủ.
Đây là việc làm rất đúng, hợp lòng dân. Vì theo quy định đã dự thảo như trước đây, người điều khiển phương tiện phải có giấy tờ, cà vẹt xe phải đứng tên của mình là không phù hợp.
Thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp hoặc cá nhân mua xe ô tô rồi làm dịch vụ cho thuê, do đó phải hợp đồng với các tài xế để điều khiển phương tiện hoặc đối với các hộ gia đình vì điều kiện hoàn cảnh khó khăn chỉ mua sắm 01 phương tiện xe gắn máy để phục vụ sinh hoạt việc đi lại cho gia đình, như vậy quyền sở hữu chiếc xe gắn máy chỉ đứng tên một người, nếu người kia không được đứng tên khi sử dụng phương tiện để đi lại là vi phạm luật giao thông và bị phạt đây là điều bất hợp lý.
Vấn đề quan trọng nhất là người điều khiển phương tiện lưu thông phải có giấy phép lái xe phù hợp với từng loại xe để đảm bảo an toàn giao thông. Không nên quy định xử phạt xe không chính chủ, bởi vì hành vi vi phạm này thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về phí và lệ phí, nếu phát hiện chủ phương tiện đã chuyển nhượng tài sản cho người khác trong thời gian nhất định theo quy định của pháp luật, mà không làm thủ tục sang tên đổi chủ, thì đây chức năng thuộc ngành thuế, có trách nhiệm truy thu xử phạt theo pháp luật phí và lệ phí. MINH TRÍ