Phim thu hút, bối cảnh đẹp, diễn xuất nhập vai, có hồn… là những nhận xét chung nhất của khán giả cho chặng đầu của bộ phim.
So với phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực trước đó, cũng do Phan Hoàng đạo diễn, Bình Tây đại nguyên soái không có những mô hình đầu tư tiền tỉ như chiến hạm L’Espérance nhưng đổi lại là phim được thực hiện chỉn chu, hoàn thiện và thu hút hơn. Đạo diễn Phan Hoàng nói anh đã đúc rút kinh nghiệm rất nhiều từ Anh hùng Nguyễn Trung Trực để có thể làm tốt hơn cho nhân vật Trương Định. Bởi với anh, làm phim lịch sử không phải là một cuộc dạo chơi, thử sức “khác người” mà chính là tâm huyết theo đuổi, bám trụ với dòng phim này dù phải đương đầu với muôn vàn thách thức, khó khăn có lúc “nản lòng muốn bỏ cuộc”.
Cảnh trong phim Bình Tây đại nguyên soái. (Ảnh do Hãng phim Cửu Long cung cấp)
Ròng rã gần 2 năm thực hiện, di chuyển khắp các bối cảnh từ Huế trở vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ, với sự tham gia của hơn 5.000 diễn viên cả chính phụ lẫn quần chúng, trong đó có gần 200 diễn viên nước ngoài cùng 50 ngựa chiến, đạo diễn Phan Hoàng cùng ê kíp thực hiện đã có một Bình Tây đại nguyên soái hào hùng từ nhạc phim, thu hút từ bối cảnh đẹp và nhiều bất ngờ từ diễn xuất của dàn diễn viên trẻ.
Phim mở đầu bằng những hình ảnh đẹp lung linh cùng phần giới thiệu nhân vật rõ ràng, súc tích và hợp lý. Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, Phó Giám đốc Hãng phim TFS, nhận định: “Trong thời buổi mọi thứ đều khó khăn cho phim lịch sử như hiện nay thì những gì được thể hiện trong Bình Tây đại nguyên soái đều có thể chấp nhận được”. Giai đoạn Trương Định từ lúc còn trẻ, chứng tỏ bản lĩnh hơn người đến khi kết hôn khá êm đềm, thu hút bằng những biến cố chủ quan bình thản trong cuộc đời của nhân vật nhưng đến giai đoạn khởi binh chống Pháp thì phim liên tục có kịch tính, chiến đấu ngoan cường cũng như hào khí quật cường của nghĩa quân giúp nâng tầm giá trị, sức hút cho phim.
Có thể nhìn thấy những kỹ xảo, hiệu ứng 3D sử dụng trong một số cảnh quay của phim chưa thật sự thuyết phục, cũng như nếu nói với mức độ hoành tráng, hấp dẫn thì Bình Tây đại nguyên soái vẫn chưa thể đạt đến “đỉnh cao”. Những pha đấu võ còn đơn giản nhưng nếu bỏ qua những tiểu tiết không thuộc về logic hay phản cảm ấy cho mục đích chung hơn: dõi theo hành trình của Trương Định cùng công cuộc khởi binh thì Bình Tây đại nguyên soái, nói như đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng, vẫn là một phim lịch sử đáng xem trong bối cảnh hiện tại. “Phim truyền hình chẳng thể đầu tư 200 triệu đồng cho một cảnh quay nhưng nói thật, nếu trong tay có nhiều tiền hơn, tôi chắc rằng chúng ta hoàn toàn có thể làm được những thước phim lịch sử hoành tráng, thu hút” - đạo diễn Phan Hoàng tâm sự.
Chi phí cho 1 tập phim Bình Tây đại nguyên soái dù cao hơn mức thông thường (hơn 400 triệu đồng thay vì 180 triệu đồng/tập theo đầu tư của nhà đài) đã khiến đoàn phim làm việc luôn trong tư thế khẩn trương, gấp rút vì “một ngày không quay được là xem như mất trắng hàng chục triệu đồng”.
Đạo diễn Phan Hoàng bộc bạch anh khá bất ngờ trước những đón nhận tích cực bước đầu này của khán giả. Đó cũng là một tín hiệu mừng, nguồn động lực để anh tự tin thực hiện tiếp những kịch bản phim sử còn tâm huyết: Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh và Mùa lá đỏ.
CẦN KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ SẢN XUẤT NHỮNG BỘ PHIM LỊCH SỬ VN. Nhiều người nhận xét lớp trẻ hiện nay hiểu biết lịch sử của nước ngoài như Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ… nhất là lịch sử Trung Quốc biết nhiều hơn là lịch sử của đất nước Việt Nam. Xem các chương trình của Đài truyền hình Việt nam như Đường lên đỉnh Olympia, Trò chơi sinh viên 96,2000,2012, Hành trình văn hóa vv…có những câu hỏi về nhân vật lịch sử nước ta rất phổ thông như đời các vị vua, các vị tướng tài của đất nước, hoặc các danh nhân học sĩ qua các triều đại dựng nước và giữ nước, nhưng các em không trả lời được. Đây là vấn đề cần báo động, Bộ giáo dục đào tạo, Bộ văn hóa thể thao và du lịch, Cục Điện ảnh, các nhà sử học, các nhà đạo diễn cần nghiên cứu làm thế nào để người Việt Nam phải hiểu lịch sử Việt Nam nhất là lớp trẻ hiện nay là nguồn tương lai xây dựng và bảo vệ đất nước. Qua theo dõi những năm qua các Đài truyền hình từ trung ương đến các địa phương liên tục chiếu các phim về đề tài lịch sử Trung Quốc như Tam quốc diễn nghĩa, Đông chu liệt quốc thời chiến quốc, Tần thủy hòang, Lã bất vi, Thương ưởng, Tôn trung Sơn, Bao thanh thiên vv…thật sự đã thâm nhập vào khán giả Việt nam. Diễn viên tham gia đều thể hiện thành công vai diễn của mình, đã làm say sưa hàng triệu khán giả đủ các lứa tuổi dưới màn ảnh nhỏ, do vậy những nhân vật lịch sử Trung Quốc đã thâm nhập vào bộ nhớ lúc nào không biết. Trong khi đó các nhà kịch bản, nhà đạo diễn làm phim Việt Nam dường như ít quan tâm khai thác đề tài lịch sử Việt nam. Có một số ít hãng phim , nhà đạo diễn, nhà biên kịch cũng mạnh dạn đầu tư vào những bộ phim lịch sử Việt Nam như Tây Sơn hào kiệt, Đêm hội long trì, và mới đây là bộ phim nhiều tập Bình Tây đại nguyên soái…“Phim lịch sử Việt Nam vừa ít, vừa yếu” là nhận định của nhà phê bình điện ảnh, Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam tại buổi Hội thảo “Nhân vật lịch sử trong phim truyện điện ảnh và truyền hình”, do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức sáng 6/11/2012 tại Hà Nội. Tuy nhiên qua theo dõi các phim lịch sử được sản xuất bị các nhà phê bình điện ảnh khen ít mà chê thì nhiều, do vậy các hãng phim, các nhà biên kịch, nhà đạo diễn nản lòng không ai muốn thực hiện các lọai phim về đề tài lịch sử. Để có những bộ phim hay về đề tài lịch sử, đề nghị Bộ văn hóa thể thao và du lịch, Cục điện ảnh cần tổ chức cuộc thi viết biên kịch phim về đề tài lịch sử, cụ thể nhân vật lịch sử nào đó có công trạng với đất nước, đối tượng tham gia cuộc thi rộng rãi trong và ngòai nước, sau đó chọn ra biên kịch phim xuất sắc kêu gọi các hãng phim, các nhà đạo diễn xuất sắc đầu tư sản xuất bộ phim này, nhà nước nên hỗ trợ một phần kinh phí để tạo điều kiện cho các hãng phim hòan thành bộ phim này. Là người Việt Nam, dân tộc Việt Nam ai cũng mong muốn ngành điện ảnh Việt Nam hết sức quan tâm đầu tư nhiều bộ phim về đề tài nhân vật lịch sử Việt Nam điển hình. Để từ đó từ người già đến trẻ có điều kiện ôn lại lịch sử truyền thống vẻ vang của dân tộc , qua đó giáo dục cho thế hệ trẻ Việt Nam càng hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử đất nước mình, càng tự hào về dân tộc. Đây chính là mong muốn của những người yêu điện ảnh Việt Nam. MINH TRÍ