Thời gian tập hợp ý kiến dư luận để thống nhất chủ trương chỉ còn non một tháng, song xem ra đến thời điểm này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT năm 2014. GĐ Sở GDĐT Kon Tum - ông Nguyễn Sĩ Thư - cho biết: “Nếu bộ đặt ra tỉ lệ miễn thi tốt nghiệp THPT, không nên đặt bất cứ tỉ lệ miễn thi cụ thể nào cho từng trường. Đây chỉ nên là tỉ lệ chung toàn tỉnh, theo đó dựa vào các tiêu chí cụ thể do bộ đặt ra để xét, ví dụ như học lực, hạnh kiểm đạt giỏi, khá cả 3 năm học, tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, có công trình nghiên cứu khoa học... Nếu đề ra tỉ lệ miễn thi cụ thể cho từng trường sẽ dẫn đến tình trạng không công bằng giữa các trường”.
Cùng quan điểm này, đại diện Sở GDĐT Cà Mau cho rằng, Bộ GDĐT cần ấn định tỉ lệ miễn thi chung 20% cho toàn quốc, nhưng tỉ lệ giữa các tỉnh cần có sự khác biệt, có tỉnh cao hơn, có tỉnh thấp, cùng với đó là đề ra tiêu chí cụ thể. Các tiêu chí được miễn thi sẽ là tiêu chí chung của học sinh toàn quốc, như thế mới khách quan.
GĐ Sở GDĐT Quảng Nam - ông Nguyễn Tấn Thắng - lại đặt nghi vấn: “Mục đích của miễn thi 20% số HS là gì? Nếu mà nói là để giảm tốn kém thì không hề thuyết phục! Bởi theo thống kê, không cần đến miễn thi thì số lượng học sinh lớp 12 đang ngày càng giảm, mà kể có giảm 20% thì cũng không đủ lớn về quy mô để có thể coi là tiết kiệm khi giảm hội đồng coi thi”. Ông Thắng cũng cho rằng, với quá nhiều lý do bất cập, đề nghị không đề ra chủ trương miễn thi tốt nghiệp THPT.
Đổi mới thi tốt nghiệp THPT phải tránh nặng nề và tạo sự ổn định tâm lý cho học sinh - theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Hải Nguyễn
Chọn thi cử làm "đột phá", phải làm bài bản!
Ở khía cạnh giảm tải môn thi, đồng thời có 2 môn thi tự chọn, nhiều lãnh đạo sở GDĐT tỏ ra đồng tình. Tuy nhiên, vì tổ chức quá gấp rút, thiếu sự chuẩn bị nên không ít ý kiến cho rằng, chủ trương mới có nhiều bất ổn. GĐ Sở GDĐT Thừa Thiên-Huế Phạm Văn Hùng cho rằng: “Nếu thi tự chọn, nhưng lại chưa dạy học tự chọn thì sẽ bất ổn ngay trong học kỳ II này. Ví dụ: Một lớp học, nếu chỉ có vài em học sinh chọn thi môn lịch sử thì chỉ học môn đó, số học sinh chọn môn thi khác lập tức bỏ bê môn học này”. Đối với môn ngoại ngữ, ông nhấn mạnh thêm, lâu nay trong các văn bản của Bộ GDĐT quy định đây là môn cứng, vì thế nhất thiết phải để ngoại ngữ là môn tự chọn chứ không nên là khuyến khích. “Nên giữ môn học này, nếu dừng thi, sẽ kéo theo hiệu ứng xấu: Học sẽ xuống ngay, từ các cấp tiểu học, THCS và THPT với tâm lý “thi gì học nấy” – ông Hùng phân tích.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Bộ GDĐT chọn thi cử để đổi mới là có đột phá, khi muốn tạo sung lực để có lan tỏa sang các khâu khác. Tuy nhiên, để làm được điều này, theo Phó Thủ tướng, bộ cần tính toán thật kỹ lưỡng, làm sao để tạo sự ổn định, đừng để học sinh lâm vào cảnh hồi hộp chưa biết năm nay thi môn gì, thi như thế nào? “Việc thi tự chọn cần tính toán để không nên và không thể để dẫn đến tình trạng sau một thời gian sẽ phân loại GV thành 2 hạng: GV hạng A với những môn chắc chắn được thi và những GV hạng B của những môn không thi! Nếu chủ trương thi tốt nghiệp THPT là nhẹ nhàng, không nặng nề, phức tạp thì tại sao lại phải miễn thi 20% nữa, trong khi tỉ lệ đỗ tốt nghiệp nhiều tỉnh là 98%. Không nên miễn thi cho bất kỳ ai, tránh bất ổn” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.