Quản lý, giám sát người nghiện ma túy tại địa phương: Đang gặp nhiều khó khăn

Thứ ba - 28/06/2016 02:37 1.053 0
Theo thống kê của ngành chức năng, tổng số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh hiện có hồ sơ quản lý là 383 người, do chính quyền cơ sở trực tiếp quản lý.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện thêm 17 người nghiện mới. Hiện 58/71 xã, phường, thị trấn đã có người nghiện ma túy. Tuy nhiên, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát người nghiện ma túy tại địa phương đang gặp nhiều khó khăn.

Theo Sở Lao động, Thương binh-Xã hội thì từ đầu năm đến nay, số người nghiện ma túy được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn chỉ có 7 đối tượng, cảnh báo 2 đối tượng, gọi răn đe 15 đối tượng và xử lý hành chính 60 đối tượng. Điều đáng nói nhất hiện nay là công tác quản lý sau cai nghiện chưa mang lại hiệu quả cao.

Trên địa bàn tỉnh không có một cơ sở nào để điều trị cai nghiện nên đôi lúc cần thiết lắm mới phải hợp đồng gửi nhờ tại Trường Giáo dục và giải quyết việc làm số 1 đứng chân ở huyện Tuy Đức (thuộc lực lượng Thanh niên xung phong của TP. Hồ Chí Minh).

Đối với đối tượng nghiện ma túy đã được đưa đi cai nghiện bắt buộc trở về tái hòa nhập cộng đồng thì tỷ lệ tái nghiện cao và bỏ đi khỏi địa phương. Thực tế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của những gia đình có người nghiện và sự ổn định của xã hội.

Chị L (xin không nêu tên) ở xã Đắk Wil (Chư Jút) chia sẻ, trong nhà có chồng nghiện ma túy nhiều năm, nên gia đình thật khốn khổ. Chồng của chị đã từng đi cai nghiện nhiều lần nhưng rồi lại cứ tái nghiện. Sau những lần cai nghiện, trở về với gia đình đều được động viên, tạo điều kiện để làm ăn, nhưng rồi lại tái nghiện, gây sự và phạm pháp. Gia đình rất khó quản lý và thậm chí nhiều lần chồng còn đe dọa chị và con cái. Vì vậy, chị rất mong có sự quản lý tập trung của chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Thành Nên, Chủ tịch UBND xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có 2 trường hợp cai nghiện đang sinh sống tại địa phương. Xã cũng đã phân công cho các đoàn thể giúp đỡ, hỗ trợ để họ tái hòa nhập cộng đồng, nhưng việc quản lý, giám sát gặp không ít khó khăn vì họ thường đi khỏi địa bàn”.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB-XH) thì ngoài số người có hồ sơ quản lý, thực tế số người nghiện có thể còn cao hơn nhiều. Chính quyền và cơ quan chức năng chưa quản lý hồ sơ được là do người nghiện thường tụ tập và thường xuyên di chuyển, có thể từ xã này sang xã khác hay từ tỉnh này đến tỉnh khác.

Tại các tỉnh khác thì có cơ sở cai nghiện tại cộng đồng, gia đình hoặc thành lập các nhóm để tập trung lại cùng cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng, giúp đỡ nhau trong đời sống nên thuận lợi hơn trong công tác quản lý. Còn tại tỉnh ta, hiện vẫn chưa có cơ sở cai nghiện nên rất khó khăn trong việc thực hiện cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tình nguyện tại cơ sở. Có những trường hợp bản thân người nghiện và gia đình có người nghiện muốn đến cơ sở cai nghiện nhưng đành chịu.

Bên cạnh đó, Nghị định 221 ngày 30/12/2013 của Chính phủ về Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nhưng đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc đưa đối tượng nghiện ma túy vào cai nghiện bắt buộc chưa triển khai thực hiện được.

Ông Nguyễn Văn Minh cho biết, hiện tỉnh đang tích cực đề nghị Bộ LĐTB-XH xây dựng cơ sở cai nghiện tại địa phương để thời gian tới kiểm soát chặt chẽ hơn các đối tượng cai nghiện. Tuy nhiên, để giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng thì toàn xã hội và gia đình cần vào cuộc mạnh mẽ trong việc hỗ trợ, tư vấn tâm lý, pháp lý, các chính sách dạy nghề, tạo việc làm...

Phan Đinh

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay1,989
  • Tháng hiện tại6,954
  • Tổng lượt truy cập41,187,555
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây