Toàn tuyến dở dang, xuống cấp QL14 chạy dọc trên sườn Đông Trường Sơn thoáng rộng, xuyên qua nhiều khu rừng già, trước đây được đánh giá là tuyến lý tưởng cho hành trình Bắc- Nam, đặc biệt là tránh lũ vào mùa mưa - đoạn qua miền Trung. Thế nhưng, bây giờ, tuyến đường này thành nỗi ám ảnh của nhà xe bởi nhiều đoạn ''ổ gà'', ''ổ voi'' chi chít, kéo dài cả trăm cây số.
Đoạn từ Quảng Nam sang Kon Tum nham nhở vì nhiều công trình chưa hoàn thành. Hơn 200km từ Gia Lai sang Đắc Lắc cũng vụn nát, mặt đường hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt từ Đắc Lắc đi Đắc Nông, về Đồng Nai, nhiều đoạn đang thi công dang dở nhưng lại không có lực lượng đảm bảo giao thông, hướng dẫn phân luồng, cắm biển cảnh báo...
Chất lượng đường đã xấu, xuống cấp, thi công kéo dài dở dang trong khi đây vốn là những cung đường phức tạp do có nhiều chủng loại phương tiện tham gia giao thông. Nguy hiểm nhất là xe công nông, xe chở nông sản và cả xe máy của những thanh niên là người dân tộc bản địa đi lại rất cẩu thả, không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ. Mật độ xe cũng khá cao, trong khi nhiều đoạn tuyến xuống cấp, lại không có biển báo, hướng dẫn phân luồng nên dễ dẫn đến tai nạn. Thực trạng đang báo động này đã tồn tại khá lâu, song chưa được giải quyết dứt diểm do các dự án thiếu vốn trầm trọng.
Chờ “cây đũa thân”?Theo Ban đối tác công tư Bộ GTVT: Quốc lộ 14 dài trên 660km, bắt đầu từ Đăk Zon (địa phận tỉnh Quảng Nam) đến thị xã Đồng Xoài (Bình Phước), đã có 180km được nâng cấp, hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hiện 70km đang được đầu tư nâng cấp bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ.
Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách hạn hẹp nên Bộ GTVT đã kêu gọi vốn xã hội hóa và các tỉnh Bình Phước, Đắc Nông được giao thực hiện ký hợp đồng BOT với các nhà đầu tư dưới sự hướng dẫn, thẩm định của Bộ GTVT. Hiện trên tuyến đường này đã có 4 dự án đầu tư theo hình thức BOT, với tổng chiều dài 150km. Như vậy, hiện vẫn còn gần 260km chưa có vốn đầu tư.
Một thực trạng đáng lo ngại là thời gian qua do lãi suất từ nguồn vốn vay ngân hàng quá cao, đẩy tổng mức đầu tư của các dự án tăng nên thời gian hoàn vốn kéo quá dài. Nhiều chủ đầu tư đã bỏ công trình dang dở. tình trạng nhiều đoạn bị phá ra rồi để đấy khiến đoạn đường vốn đang có thể khai thác được cũng bị phá hỏng theo. Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã làm việc với các địa phương, yêu cầu các chủ đầu tư phải sửa chữa tạm thời, giữ không cho đường tiếp tục hư hỏng để bảo đảm giao thông.
Do tỉnh Đắc Nông và Bình Phước trực tiếp thực hiện các hợp đồng BOT nên để tháo gỡ cơ chế giúp các nhà đầu tư BOT bớt khó khăn, Bộ GTVT cũng đã hướng dẫn các tỉnh áp dụng các cơ chế tài chính, hoàn vốn, thẩm định nội dung hợp đồng để dự án được tiếp tục thực hiện có hiệu quả cho các nhà đầu tư và Nhà nước. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có những phương án khả thi nên tốc độ thi công công trình vẫn rất chậm hoặc bị bỏ bê. Mặt khác, Bộ GTVT cũng nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc thù để thu hút nhà đầu tư cho 260km còn lại. Tuy nhiên, khi đề xuất sử dụng hình thức phát hành trái phiếu công trình không được chấp thuận thì hiện chưa có phương án nào khả thi.
Được biết Tây Nguyên là khu vực kinh tế giàu tiềm năng, có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, trong khi mức sống người dân còn thấp, vì vậy từ năm 2011 Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch-Đầu tư xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng Tây Nguyên. Có lẽ chính vì thế mà QL14- huyết mạch giao thông Tây Nguyên- vẫn đang chờ một “cây đũa thần” trong cảnh dang dở, xuống cấp trầm trọng.
Ý kiến bạn đọc
MINH TRÍ - 11/04/2013 14:42 Đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần phát động huy động riêng vay trong dân từ nguồn trái phiếu chính phủ để sớm triển khai Dự án nâng cấp và mở rộng tuyến quốc lộ 14 cho các tỉnh tây nguyên, giống như trước đây Chính phủ đã từng huy động trong dân để xây dựng tuyến đường điện 500kv bắc nam. Do nguồn vốn ngân sách hạn hẹp nên Bộ GTVT đã kêu gọi vốn xã hội hóa và các tỉnh Bình Phước, Đắc Nông được giao thực hiện ký hợp đồng BOT với các nhà đầu tư dưới sự hướng dẫn, thẩm định của Bộ GTVT. Đây là điều bất bình đẳng đối với người dân Tây Nguyên, vì người dân có phương tiện xe ô tô, mô tô đã phải nộp tiền phí cầu đường hàng năm rồi, bây giờ khi đi qua các đoạn đường thực hiện theo hợp đồng BOT lại phải nộp tiếp tiền phí khi đi ngang qua, hiện nay khi đi qua đoạn đường của tỉnh Bình phước có 6 đến 7 trạm thu phí. Đề nghị chính phủ, Bộ giao thong vận tải nếu thực hiện huy động được từ nguồn trái phiếu nên hoàn trả lại cho các nhà đầu tư đã thực hiện theo hợp đồng BOT để tạo điều kiện cho nhân dân đi lại đồng thời tạo điều kiện cho các tỉnh tây nguyên phát triển.