Chương trình giám sát cá da trơn được Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố vào cuối tháng 11-2015 và có hiệu lực từ tháng 3-2016 nhằm siết chặt việc nhập sản phẩm vào thị trường Mỹ. Một trong những nội dung quan trọng nhất của chương trình này là quy trình giám sát chặt chẽ, từ sản xuất cho đến chế biến đối với cá da trơn của các nước xuất khẩu vào Mỹ theo tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn mà Mỹ đang áp dụng.
Tiếng là để bảo đảm các tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm song thực chất chương trình giám sát cá da trơn là để dựng lên một rào cản mới nhằm gây khó dễ cho sản phẩm này vào thị trường Mỹ. Đây được xem là một trở ngại rất lớn đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu cá tra của Việt Nam do hệ thống quản lý sản xuất và chế biến giữa hai nước có nhiều khác biệt nên cần nhiều thời gian cho quá trình chuyển đổi, thích nghi.
Trong hành trình xâm nhập thị trường Mỹ - một trong những thị trường lớn nhất thế giới- cá da trơn Việt Nam đã phải nhiều phen “trầy da tróc vẩy” bởi những rào cản thương mại để bảo vệ những người nuôi thủy sản nội địa nước Mỹ. Một trong những cú đánh nặng nề nhất là vụ kiện bán phá giákhởi đầu từ năm 2001 và bắt đầu áp thuế bán phá giá với mức rất cao từ năm 2003.
Vượt lên tất cả, những sản phẩm cá da trơn của Việt Nam vẫn trụ vững và chinh phục người tiêu dùng Mỹ. Việc Thượng viện Mỹ “bác” chương trình giám sát cá da trơn cho thấy cạnh tranh lành mạnh, kinh doanh lâu dài chứ không phải những cú đánh bảo hộ mậu dịch. Như hai thượng nghị sĩ John McCain và Kelly Ayotte nhấn mạnh trong một tuyên bố chung rằng phải bác bỏ chương trình này bởi nó quá lãng phí tiền thuế của người dân Mỹ và là một ví dụ kinh điển của chủ nghĩa bảo hộ thị trường nội địa.
Tất nhiên, để bác bỏ hoàn toàn chương trình giám sát cá da trơn còn cần Hạ viện Mỹ thông qua và được Tổng thống Obama ký thành luật. Nếu được Hạ viện Mỹ thông qua thì chắc chắn Tổng thống Obama sẽ ký thành luật vì trước đó đích thân ông đã khẳng định đây là chương trình lãng phí, không cần thiết và đề nghị không cấp ngân sách cho chương trình này.
Cho dù cùng là thành viên WTO và đang sẵn sàng thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong trường hợp được phê chuẩn song trong làm ăn giữa Việt Nam và Mỹ có thể còn xảy ra các vụ việc kiểu kiện bán phá giá hay chương trình giám sát cá da trơn. Hy vọng các nhà lập pháp cũng như chính quyền Mỹ luôn nhìn thẳng thực tế và hướng tới tương lai để có những quyết định đúng đắn như quyết định của Thượng viện Mỹ ngày 25-5.
Nguồn tin: NLĐ Online