Biến tướng
Những trò lừa đảo trên mạng internet nói chung, Facebook nói riêng ngày càng tinh quái với đủ các thể loại khác nhau. Và cho dù một số trò lừa đã được cảnh tỉnh trên báo chí, các forum… nhưng nhiều người do không chú ý nên vẫn “dính bẫy”. Đã là người sử dụng internet thì hãy cẩn trọng mọi lúc mọi nơi. Đó là yếu tố hàng đầu. Bên cạnh đó, cần theo dõi thông tin về các chiêu thức lừa đảo trên các báo, diễn đàn để cập nhật tin tức và đề phòng nếu mình lỡ rơi vào trường hợp tương tự.
Đỗ Tấn Hưng
(Q.1, TP.HCM)
Cảnh giác với link có mã độc
Các chiêu lừa phổ biến nhất qua Facebook lâu nay vẫn là hack tài khoản Facebook rồi chiêu dụ người thân, bạn bè của chủ tài khoản đó mua giúp card điện thoại. Việc hack tài khoản Facebook cũng có nhiều chiêu thức mà chủ yếu là gửi những link có chứa mã độc qua công cụ chát messenger trên Facebook hay tạo trang giả giống Facebook để nạn nhân truy cập vào, khai báo tài khoản. Vì vậy, tốt nhất, nếu trong quá trình sử dụng mà thấy có gì bất thường, lạ lẫm thì đặt dấu hỏi ngay và tìm hiểu các thông tin, các dấu hiệu tương tự trên công cụ tìm kiếm để hiểu và có hướng xử lý phù hợp.
Vương Ngọc Phấn
(Q.Bình Tân, TP.HCM)
Thêm chiêu lừa mới
Thời gian gần đây trên Facebook đang rộ chiêu lừa được nhận tài sản thừa kế khổng lồ của một ai đó ở... nước ngoài. Sau khi tìm hiểu thông tin cá nhân của một chủ tài khoản Facebook nào đó, nhất là người biết tiếng Anh, kẻ lừa đảo sẽ gửi tin nhắn đến chủ tài khoản bằng tiếng Anh về câu chuyện người đó được lựa chọn là người thừa kế bởi những đức tính của người đó (đã được kẻ lừa đảo nghiên cứu kỹ trên Facebook). Nhiều người nổi lòng tham, nhẹ dạ sẽ tin ngay và bị dụ chuyển trước một số tiền gọi là tiền thuế cho nước sở tại để được nhận khoản tiền thừa kế... từ trên trời đó. Nghe có vẻ hoang đường nhưng không phải không có người “dính chưởng”.
Bùi Thị Thanh Nguyệt
(TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Không khó để đề phòng
Các chiêu lừa trên mạng không quá khó để đề phòng. Nếu bạn là người sử dụng thông minh và thường xuyên thì tốt nhất nên cập nhật liên tục các chiêu lừa được cảnh báo và lan truyền khá nhanh trên báo, mạng xã hội. Sau đó, nếu nghi ngờ về điều gì, cần phòng tránh điều gì thì hãy tìm hiểu thông tin ngay trên mạng qua công cụ tìm kiếm. Quan trọng hơn, đừng cho mượn điện thoại, laptop, iPad... nhất là các quán cà phê, nơi công cộng. Khi bạn sạc pin ké điện thoại ở một máy tính nào đó, có khi bạn cũng có thể bị lấy cắp rất nhiều dữ liệu có trong điện thoại. Khi thanh toán trực tuyến, hãy chú ý sử dụng wifi nhà mình hoặc công ty, đừng sử dụng wifi ở những nơi lạ, nơi công cộng để thanh toán trực tuyến, rất có thể người chủ wifi đó sẽ ăn cắp mọi thông tin của bạn kể cả mật khẩu của tài khoản ngân hàng...
Võ Tuấn Dũng
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Tôi luôn trung thành với quan điểm của mình trong cuộc sống cũng như trên internet, Facebook là: “Chẳng ai cho không mình cái gì và mình cũng không nên cho ai cái gì khi người đó không lộ diện”. Nhờ vậy mà tôi chẳng bị mất tiền oan và tất nhiên cũng chẳng được ai cho cái gì miễn phí. Mọi chiêu lừa đảo đều “bắt” vào lòng tham, lòng tin của con người. Vì vậy, cẩn thận với hai điều này thì sẽ thoát. Đinh Trúc Ly (Q.8, TP.HCM) Chiêu lừa đảo để đóng tiền quảng cáo cho trang của mình quả là rất mới và cực kỳ tinh vi. Nạn nhân rất có thể đã bấm thích (like) vào nhiều trang bán hàng được mời chào mỗi ngày. Và đúng là không ai lường trước được việc này. Tôi tâm đắc với ý kiến nên có 2 tài khoản ngân hàng, một tài khoản có đăng ký thanh toán trực tuyến và một tài khoản không đăng ký. Muốn thanh toán trực tuyến cái gì thì chuyển tiền từ tài khoản không đăng ký thanh toán trực tuyến sang tài khoản có đăng ký, không để nhiều tiền trên tài khoản đăng ký thanh toán trực tuyến. Như thế tuy vất vả tí nhưng rất an toàn. Bùi Vũ Minh Trị (H.Dĩ An, Bình Dương) T.T - Duy Khang (thực hiện) |
Ban CTBĐ
(tổng hợp)