Thực phẩm chức năng giả bị công an bắt giữ - Ảnh: chụp lại từ VTV |
Vụ 10 tấn collagen và một số thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được gắn mác hàng xách tay từ Úc, Mỹ, châu Âu… vừa bị phát hiện vào cuối tháng 1 vừa qua tại Hà Nội, đã gây rúng động thị trường thực phẩm chức năng. Đặc biệt, với khách hàng là giới nữ, đối tượng đang có nhu cầu sử dụng nhiều các sản phẩm này.
|
Chủ nhân của lô hàng giả khai từ hơn một năm nay, họ nhập hàng không nhãn mác từ Trung Quốc, giao hàng tại cửa khẩu Lào Cai về VN, rồi tự đóng hộp và dán nhãn các thương hiệu nổi tiếng của Úc, Mỹ, Nhật, Hàn, Pháp cho các sản phẩm: collagen, sữa ong chúa, tỏi đen, nhau thai cừu... để kiếm lợi khủng. Thậm chí, ngay những người đang làm việc đóng gói tại các cơ sở làm hàng giả cũng không biết những viên nang mình đang đếm bỏ vào lọ rồi đóng gói dán nhãn mác này là thứ gì. Mỗi lọ thường được bán lẻ với giá từ trên 600.000 đồng đến hàng triệu đồng.
“Phó mặc mạng sống cho... trời”
Chị Trần Thị Vân, Công ty TNHH Phú Cường Vân (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho biết: “Sau đợt đọc báo thấy lô hàng 100 thùng đồ giả nào collagen, sữa ong chúa... bị bắt ngoài Hà Nội, đến nay tôi ngưng không dám uống tiếp nữa. Đặc biệt, việc mua hàng xách tay trên mạng từ nguồn không rõ ràng thì thật giả không biết đâu mà lường. Uống vào trong người, liên quan đến sức khỏe mình. Sợ lắm rồi!”.
Còn chị Hương Lan, chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh văn phòng phẩm trên đường Lê Lợi, Q.1, TP.HCM cho hay, chị mua hàng xách tay viên nén collagen từ 2 năm nay. Riêng sụn cá mập còn mua gửi ra quê cho mẹ. Viên nang sụn cá mập của Úc được chị Lan mua giá 1,05 triệu đồng/hộp 100 viên, collagen của Nhật 500.000 đồng/hộp 126 viên. “Tôi mua từ một trang chuyên bán hàng xách tay, tin tưởng và cũng chỉ biết ở đó có bán nên mua thôi. Từ khi đọc tin hàng giả với lượng lớn như vậy, tôi ngưng dùng viên collagen, nhờ bạn bè chuyên môn xem lại sản phẩm thế nào. Nếu dùng liều tiếp tục thì không dám nữa”.
Theo chị Thu Trang, nhân viên bán thuốc trước Bệnh viện Chợ Rẫy (đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5, TP.HCM), mua hàng xách tay những sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người thì coi như “phó mặc” cái mạng mình cho… trời. Bởi nếu xảy ra rủi ro khi dùng, bị sốc chẳng hạn, sẽ không ai bảo vệ người tiêu dùng cả. Một nhà khoa học từng làm việc tại Viện Sinh học TP.HCM (đề nghị không nêu tên) lại đặt vấn đề: Hội Bảo vệ người tiêu dùng, nếu làm hết chức năng và quyền hạn của mình, vẫn khó bảo vệ được quyền lợi cho người mua hàng không rõ nguồn gốc. Vì vậy, đã đến lúc người tiêu dùng không nên dễ dãi, mua bán sản phẩm liên quan đến sức khỏe của mình mà chỉ dựa vào niềm tin.
Ngộ độc thực phẩm vì collagen giả
Chuyên gia tư vấn Robert Trần, từng tốt nghiệp chuyên ngành dược tại Canada, khá bàng hoàng khi hay tin VN vừa bắt lô hàng giả lớn các mặt hàng collagen, vi cá mập, sữa ong chúa... Ông nhận xét: “Bất cứ sản phẩm nào được ăn, uống vào cơ thể đều liên quan đến sức khỏe. Nếu mua phải hàng giả, chưa nói đến thiệt hại về kinh tế, người tiêu dùng đối diện nhiều hậu quả về sức khỏe rất khó lường. Đặc biệt dư lượng hóa chất, chất cấm hoặc hạn chế dùng trong thực phẩm, với các nhà làm hàng giả, họ sẽ không từ một thủ đoạn nào nếu có lợi. Đã làm giả thì không thể nói an toàn”.
Riêng về chất collagen, tại một hội thảo về quản lý thực phẩm chức năng vừa được tổ chức vào cuối tháng 1.2015 tại TP.HCM, Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM - TS Phan Thế Đồng cũng cho biết collagen vốn là một dạng protein nguyên thủy có nhiều trong da và mô xương động vật. Để trích ly thành công và đồng thời loại bỏ những tạp chất độc hại trong quá trình sản xuất, cần đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại và quy trình công nghệ tiên tiến với chi phí cao. Đó cũng là lý do khiến sản phẩm này có giá bán không thấp. Tuy nhiên, với mục đích lớn nhất của việc làm giả là lợi nhuận càng nhiều càng tốt, nên khó có cơ sở làm collagen giả nào lại chịu đầu tư máy móc thiết bị hiện đại.
Theo chuyên gia dinh dưỡng - bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, dùng collagen giả sẽ khiến người sử dụng đối diện nguy cơ ngộ độc thực phẩm do sản phẩm được sản xuất, lưu trữ trong điều kiện kém bị nhiễm vi sinh. Thứ hai là ngộ độc thực phẩm mạn tính, nếu trong các hợp chất tạo nên viên nang giả đó có những hóa chất không có lợi cho sức khỏe như kim loại nặng, nấm mốc... gây tổn thương lục phủ ngũ tạng.
Thực tế, cảnh báo của BS Ngọc Diệp hoàn toàn có cơ sở khi trong một đợt kiểm tra vào trung tuần tháng 8.2014, các cơ quan chức năng ở Trung Quốc cũng đã lấy mẫu và kết luận các sản phẩm được gắn với tên “vi cá mập” được bán trên thị trường “không có thành phần nào thuộc vi cá mập” mà thực ra là hỗn hợp bột đậu, natri và một số hóa chất khác, đặc biệt nhiều sản phẩm chứa dư lượng kim loại có tỷ lệ cao như thủy ngân, cadmium. Tương tự, các sản phẩm thực phẩm chức năng khác như sữa ong chúa chỉ là sữa bò pha với bột mì, phấn hoa... Thậm chí, tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, hầu như tuần nào cũng tiếp vài ca bị kích ứng từ việc sử dụng mặt nạ bột collagen được bán nhan nhản tại các chợ, spa, siêu thị.
Theo PGS-TS Trương Văn Tuấn, Đại học Y Dược TP.HCM, Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện TP.HCM, người có nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm chức năng, an toàn nhất là nên nhờ giới chuyên môn tư vấn. Theo kinh nghiệm của nhiều người sử dụng, trên bao bì các lọ collagen, thực phẩm chức năng có dán nhãn rõ ràng nhà nhập khẩu, số giấy phép lưu hành, có chứng nhận tiêu chuẩn của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm... thì mới yên tâm.
Nguyên Nga
Nguồn tin: Thanhnien