Thông tin từ Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết ngày 10-12, tại Hà Nội, chi nhánh Hoàn Kiếm của ngân hàng này vừa tổ chức thanh toán sổ tiết kiệm có kỳ hạn tiền bằng VNĐ và USD cho một khách hàng gửi tiền tiết kiệm từ cách đây 13-15 năm.
Đại diện của ngân hàng này cho biết ngày 13-5-1999, bà Ngô Thị Hợi (ngụ Hà Nội) đã đến BIDV để mở tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn bằng VNĐ với số tiền 27 triệu đồng, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 0,80%/tháng.
BIDV đã tổ chức thanh toán sổ tiết kiệm cho gia đình bà Hợi vào ngày 10-12. Ảnh: S.Nhung
Đến ngày 16-10-2001, bà Hợi mở tiếp một tài khoản tiết kiệm 12 tháng bằng VNĐ tại BIDV với số tiền 20 triệu đồng, lãi suất 0,55%/tháng và một tài khoản tiết kiệm khác bằng USD với số tiền 7.000 USD, kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 2.25%/năm. Tất cả đều mang tên Ngô Thị Hợi.
Tuy nhiên, do tuổi cao và mắc bệnh mất trí nhớ nên suốt thời gian dài bà Hợi chưa đến ngân hàng để tất toán 3 sổ tiết kiệm trên. Đến đầu tháng 12-2014, người nhà bà Hợi mới phát hiện ra 3 quyển sổ tiết kiệm và mang tới BIDV để làm thủ tục tất toán.
Đại diện BIDV cho biết ngay sau khi nhận được đề nghị của con trai bà Hợi, ngân hàng đã kiểm tra lại hệ thống và xác nhận có phát hành các số tiết kiệm nói trên cho bà Ngô Thị Hợi trong khoảng thời gian từ 13-5-1999 đến 16-10-2001.
“Dữ liệu về tài khoản của bà Hợi còn lưu lại trên hệ thống của BIDV, chính vì vậy mà chỉ cần gõ mã số sổ tiết kiệm thì các con số vốn, lãi gốc, số dư cuối kỳ đều hiện ra rõ ràng, nhân viên ngân hàng không phải tính bất cứ con số nào cả. Tuy nhiên, do người chủ hữu trên sổ tiết kiệm là bà Ngô Thị Hợi đang bị bệnh mất trí nhớ nên cần có các thủ tục chứng minh từ phía bệnh viện, chính quyền địa phương khá phức tạp, phải mất một thời gian ngân hàng mới thực hiện thanh toán được” - Vị này chia sẻ.
Đến ngày 10-12, sau hoàn thành các thủ tục chứng minh theo quy định, BIDV Hoàn Kiếm đã tiến hành thanh toán toàn bộ tiền gốc và lãi các sổ tiết kiệm trên cho phía gia đình bà Hợi. Theo đó, số thứ nhất 27 triệu đồng, nhận cả gốc và lãi đến ngày 10-12-2014 là 97.993.500 đồng. Sổ thứ hai 20 triệu đồng, được nhận tổng giá trị gốc và lãi là 66.676.900 đồng. Và sổ thứ ba 7.000 USD được nhận tổng giá trị gốc và lãi 10.427,77 USD. Như vậy, tổng số tiền gốc và lãi từ 3 sổ tiết kiệm gia đình bà Hợi được nhận là gần 400 triệu đồng.
Theo lý giải của BIDV, sổ tiết kiệm của bà Hợi là sổ có kỳ hạn. Trong sổ có ghi rõ "khi không đáo hạn thì lãi sẽ tự nhập vào gốc". Nên cứ như thế số tiền lãi cứ tăng lên dần theo thời gian. “Khi nhận được số tiền lớn, người nhà bà ấy cũng bất ngờ, không nghĩ được nhiều tiền như tiền như thế nên người nhà bà cụ đã làm sổ tiết kiệm và tiếp tục gửi tiền BIDV” - đại diện ngân hàng này cho biết thêm.
Trước đó, một số ngân hàng đã nhận được sổ tiết kiệm được mở trong giai đoạn những năm 70, 80 của thế kỷ trước (thời điểm đổi tiền), những số tiền khá lớn vào thời điểm đó. Tuy nhiên, đối chiếu theo với các quy định, chủ của những sổ tiết kiệm này chỉ nhận được số tiền mang tính tượng trưng, chỉ vài ngàn VNĐ thậm chí vài trăm VNĐ.
Nguồn tin: NLĐ Online