Ảnh: LÊ TRƯỜNG
Thẳng thắn nhận trách nhiệm
Ảnh: KỲ NAM
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Chiến Thắng cho rằng việc ông tự nhận kỷ luật là điều bình thường. “Để cho đồng bào bị TNGT chết nhiều mà tỉnh không nhận hình thức kỷ luật nào thì không ổn lắm về mặt trách nhiệm và cả lương tâm. Nhận trách nhiệm như thế để quản lý, chỉ đạo cấp dưới tốt hơn” - ông chia sẻ.
Xếp sau Khánh Hòa là tỉnh Ninh Thuận, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2013 đã xảy ra 33 vụ TNGT, làm chết 38 người, bị thương 28 người. So với cùng kỳ năm 2012 thì số vụ TNGT ở tỉnh này tăng 13, số người chết tăng 15, bị thương tăng 9 người.
Đánh giá sự gia tăng TNGT đáng báo động này, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban ATGT tỉnh Ninh Thuận, cho rằng nguyên nhân chính là do vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo một số đơn vị, địa phương. “Các giải pháp kiềm chế TNGT không có gì mới, thậm chí thiếu khả thi. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng chưa thường xuyên, liên tục, nhất là giờ cao điểm và ban đêm” - ông Thanh nhìn nhận.
Theo Thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận, một bộ phận cán bộ công chức nhiều khi không tuân thủ những quy định về ATGT. “Bất kỳ ai, nếu sai phạm cũng phải bị xử lý nghiêm minh, có như vậy mới giữ được kỷ cương, luật pháp” - ông quả quyết. Thiếu tướng Kỳ cho biết đầu năm 2013, Cơ quan CSĐT tỉnh Ninh Thuận đã khởi tố một phó giám đốc sở về hành vi vi phạm ATGT gây hậu quả
nghiêm trọng.
Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, địa phương thuộc top 10 về số vụ TNGT gia tăng trong 3 tháng đầu năm 2013, vẫn lặp đi lặp lại: “Ngoài ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn kém thì cơ sở hạ tầng xuống cấp là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Do kinh phí ít, không thể đầu tư dàn trải nên trước mắt, ngành GTVT sẽ ưu tiên xử lý các điểm đen thường xuyên xảy ra TNGT”.
Theo thống kê của Ban ATGT Đắk Lắk, trong 3 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 86 vụ TNGT, làm chết 89 người, bị thương 42 người; so với cùng kỳ năm ngoái tăng 24 vụ, 22 chết và 3 người bị thương. Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề về trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, ông Võ Minh Sơn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk, “chỉ” xuống Sở GTVT. “Chủ tịch UBND tỉnh mới nhận bàn giao nhiệm vụ nên cứ gặp phó Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh - giám đốc Sở GTVT” - ông Sơn nói.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là 1 trong 10 địa phương để xảy ra TNGT tăng cao trong quý I/2013. Đề cập về việc trước tình hình TNGT trên địa bàn tăng vọt, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã tự nhận kỷ luật, ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo bằng mọi cách để kiềm chế, kéo giảm TNGT. “Chúng tôi cũng đã cố hết sức trong thời gian qua. Giờ cũng phải cố gắng mọi cách chứ biết làm sao? ” - ông nói.
Trong năm 2012, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng từng kiến nghị chủ tịch UBND địa phương nào để TNGT tăng 3 năm liên tiếp sẽ bị cách chức. Đầu năm 2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu các cơ quan chức năng và địa phương tăng cường bảo đảm trật tự ATGT với các biện pháp quyết liệt.
Như vậy, có thể thấy sự chỉ đạo từ Trung ương xuống các địa phương, ban, ngành là rất kịp thời. Tuy nhiên, hiệu quả thấp là do khâu tổ chức thực hiện. Vì vậy, rất cần làm rõ trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu các địa phương, ban, ngành chức năng trong vấn đề này. “Lâu nay, với từng công việc cụ thể, trách nhiệm cá nhân chỉ nổi rõ khi công việc đó được thực hiện hiệu quả, thành tích được ghi nhận; còn ngược lại, khi có những tồn tại, khuyết điểm thì trách nhiệm thường là... của chung” - một cán bộ ở Ninh Thuận nhận xét.
Không thiếu giải pháp hữu hiệu
Ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết tỉnh vừa có văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ thí điểm dự án lắp đặt camera kiểm soát giao thông trên toàn tuyến Quốc lộ 1 đi qua địa phương này. Nếu được Thủ tướng đồng ý, Khánh Hòa sẽ tiến hành khảo sát vị trí, lên phương án thực hiện cụ thể.
“Theo tôi, đây là việc cần làm ngay của địa phương để hạn chế TNGT nghiêm trọng một cách hiệu quả” - ông Thắng nhận định. Theo ông Thắng, hiện Khánh Hòa đã có công văn tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thị, TP tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, nhất là Quốc lộ 1, để xử lý thật nghiêm những hành vi vi phạm ATGT.
Ông Thắng cho rằng xe khách cần phải đưa vào dạng kinh doanh đặc biệt vì liên quan đến tính mạng của rất nhiều người. Việc quản lý loại xe này hiện nay còn quá hời hợt, tiêu chí đưa ra chưa cao. “Một số trung tâm điều hành hiện nay đã theo dõi xe bằng GPS và hộp đen, điều này cần cơ quan chức năng tham gia quản lý chứ không phải của riêng hãng xe” - ông Thắng đề xuất.
Tại Ninh Thuận, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, từ giữa năm 2012, lực lượng CSGT khi lập biên bản người vi phạm quy định về ATGT phải lưu danh sách. Nếu cá nhân vi phạm là cán bộ công chức thì thông báo cho cơ quan chủ quản để có hình thức xử lý; nếu là dân thường thì đưa về nơi cư trú để chính quyền có biện pháp răn đe, giáo dục.
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Thuận, từ tháng 7-2012 đến nay, số người vi phạm ATGT bị thông báo về cơ quan hoặc địa phương đã hơn 500. Chính nhờ giải pháp này mà số người vi phạm khi tham gia giao thông đã giảm dần.
Theo Bộ GTVT, trong quý I/2013, cả nước xảy ra 6.528 vụ TNGT làm chết 2.599 người, bị thương 6.405 người. Mười tỉnh có số người chết vì TNGT tăng trên 30%: Khánh Hòa, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lạng Sơn, Bình Thuận, Ninh Thuận và Nghệ An. |
Xe khách nổ vỏ, 34 người bị thương Xe khách lật nhào, hàng chục người thoát chết Sáng 30-3, trên đường cao tốc Trung Lương - TPHCM đoạn qua địa phận xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức - Long An, một chiếc xe khách bất ngờ nổ vỏ rồi lật ngang làm 34 công nhân bị thương. Vào thời điểm nêu trên, chiếc xe loại 40 chỗ chở công nhân của Công ty Pou Yuen, quận Bình Tân - TPHCM chạy từ hướng Tiền Giang về TPHCM. Do chạy tốc độ khá nhanh, chiếc xe bị nổ vỏ đã lật ngang đường. Một số công nhân cho biết họ nghe 2 tiếng nổ lớn liên tiếp, sau đó chiếc xe chao đảo dữ dội rồi bị lật. Những người còn tỉnh táo đã phá cửa kính thoát ra ngoài kêu cứu. Toàn bộ hành khách trên xe là công nhân quê Bến Tre, Tiền Giang bị va đập mạnh và khoảng 34 người bị chấn thương. Số người bị thương nhẹ được đưa vào Bệnh viện Long An và 4 trường hợp nặng đã chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy - TPHCM. Tại hiện trường, 2 bánh sau chiếc xe khách bị nổ bung vỏ ra ngoài. Lực lượng cứu hộ đã thay các bánh xe dự phòng mới kéo được chiếc xe này ra khỏi đường cao tốc. Rạng sáng cùng ngày, tại khu vực trạm thu phí Định An, huyện Đức Trọng - Lâm Đồng cũng xảy ra một vụ TNGT làm nhiều người một phen hoảng hốt. Một chiếc xe khách lưu thông hướng TPHCM - TP Đà Lạt khi đến địa điểm trên, do tránh xe máy chạy ngược chiều và gặp sương mù dày đặc nên đã tông gãy một cột điện rồi lao thẳng xuống mương nước, lật nhào. Vụ TNGT làm hầu hết hành khách trên xe bị thương, riêng phụ xe bị thương khá nặng. Hàng chục người đã phải đập vỡ cửa kính để thoát thân. Các nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ - Đà Lạt. H.Minh - C.Nguyên |
KHÔNG PHẢI CHỈ LÃNH ĐẠO ĐỊA PHƯƠNG NHẬN TRÁCH NHIỆM MÀ BỘ GIAO THÔNG CŨNG PHẢI NHẬN THẤY TRÁCH NHIỆM CỦA MÌNH. Trong thời gian vừa qua nguyên nhân xảy ra tai nạn lý do chủ yếu là do tài xế chủ quan, phóng nhanh, vượt ẩu, chất lượng xe không đảm bảo an toàn, tuy nhiên bên cạnh đó cơ sở hạ tầng thấp kém, chất lượng các tuyến đường giao thông xuống cấp , đường ở miền núi quá hẹp, quanh co khuất tầm nhìn, cũng là nguyên nhân không đảm bảo an toàn trong giao thông gây ra các vụ tai nạn. Hiện nay các tuyến đường quốc lộ đều do Bộ giao thông vận tải quản lý từ khâu đầu tư xây dựng làm mới đến bảo dưỡng bảo trì đường bộ, các địa phương không có thẩm quyền trong vấn đề nâng cấp mở rộng hay duy tu sửa chửa. Chính vì vậy việc Chủ tịch UBND Tỉnh Khánh hòa xin nhận kỷ luật trước Chính phủ là một hành động đáng được khen ngợi, tuy nhiên cần phải rõ trong đó có trách nhiệm của Bộ giao thông vận tải vì là đơn vị trực tiếp quản lý các tuyến đường quốc lộ trong cả nước. Chúng ta biết trên các tuyến đường bộ có nhiều làn xe khác nhau, bao gồm cả đường cao tốc, dải phân cách là khu vực phân chia hai làn xe có chiều giao thông ngược nhau. Tuy nhiên trong thời gian qua các tuyến đường quốc lộ như quốc lộ 1a, quốc lộ 14,26, 27 vv.. ở các khu vực miền núi, tây nguyên Bộ giao thông vận tải ít quan tâm đầu tư xây dựng dải phân cách giữa, qua theo dõi các vụ tai nạn xãy ra đa phần các xe va chạm đối đầu trực tiếp với nhau, nếu có dải phân cách giữa chắc chắn tình trạng sẽ được hạn chế. Thực tế đã chứng minh vụ tai nạn xảy ra lúc 11 giờ 30, ngày 18-3 trên Quốc lộ 1K, đoạn qua địa bàn xã Đông Hòa, huyện Dĩ An - Bình Dương. Nhờ có những dải phân cách chắc chắn nên tránh được một vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra cho khu vực trạm thu phí, bởi chiếc xe ben mất thắng gây “náo loạn” trên đường. Hiện nay tuyến đường quốc lộ 1a đọan qua khu vực thị trấn, thị tứ như đọan đường qua thành phố Cam ranh, tỉnh Khánh hòa, qua theo dõi liên tục xãy ra nhiều vụ tai nạn đã làm nhiều người bị thương tật, tử vong, Ban an tòan giao thông địa phương xác định là điểm đen, nhưng đến nay chưa được Bộ Giao thông vận tải khắc phục. Nếu được Bộ giao thông quan tâm nâng cấp đầu tư mở rộng đọan đường này và có xây dựng dải phân cách giữa thì có lẽ sẽ khắc phục được vụ tai nạn đã xãy ra vừa qua. Còn tuyến đường quốc lộ 14 đi qua 5 tỉnh ở miền núi, tây nguyên quá xấu xuống cấp trầm trọng, đường quá hẹp quanh co khúc khủy, khuất tầm nhìn, nhiều năm qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc. Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông, đề nghị Bộ Giao thông vận tải ưu tiên quan tâm sớm nâng cấp mở rộng các tuyến đường quốc lộ, nhất là các đọan đường thường xuyên xãy ra nhiều vụ tai nạn và các đọan đường đèo quanh co, khúc khủyu khu vực miền núi, tây nguyên sớm xây dựng dải phân cách giữa. Về lâu dài các tuyến đường quốc lộ 1a nên xây dựng từ 6 đến 8 làn xe trở lên và có dải phân cách giữa, còn ở khu vực miền núi và tây nguyên nên xây dựng tiêu chuẩn cấp đường là cấp 3 đồng bằng bề rộng thân đường là 21m và có dải phân cách giữa, hi vọng tình hình an toàn giao thông sẽ được đảm bảo. MINH TRÍ