Nỗi sợ hãi hội nghị Shangri-la
Ngày 1/6, tờ South China Morning Post (Bưu điện Hoa Nam buổi sáng) dẫn các nguồn tin thân cận với Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang chuẩn bị thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông sau hơn 2 năm thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông.
Theo nguồn tin, thời điểm Trung Quốc thiết lập ADIZ còn phụ thuộc vào điều kiện an ninh trong khu vực, đặc biệt là sự hiện diện quân sự của Mỹ và quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng Đông Nam Á.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, Ths Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cho rằng đây là một trong những thủ đoạn của Trung Quốc nhằm đối phó với hội nghị Shangri-la đang chuẩn bị diễn ra tại Singapore với nhiều bất lợi cho Bắc Kinh.
Theo Ths Việt, những thông điệp trên của Trung Quốc được gửi gắm thông qua tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” vốn được coi là nguồn tin thân chính quyền Bắc Kinh hiện nay. Dù chưa nói rõ thời gian cụ thể, tuy nhiên theo vị chuyên gia, Trung Quốc đang muốn truyền đi nhiều thông điệp cụ thể.
Ths Hoàng Việt cho rằng Trung Quốc đang sử dụng chiêu rung cây dọa khỉ khi tuyên bố sẽ thiết lập ADIZ ở biển Đông. |
“Theo tôi tuyên bố của Trung Quốc xuất phát từ những nguyên nhân sau.
Thứ nhất là sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama cho thấy mối quan hệ Việt – Mỹ đang nồng ấm hơn. Thứ hai là sự cạnh tranh của Mỹ ở châu Á, tái cân bằng cực của Mỹ vẫn tiếp tục được duy trì và được thúc đẩy mạnh hơn.
Và để phản ứng lại điều đó, Trung Quốc muốn răn đe các quốc gia khác, trong đó có cả Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Hội nghị an ninh Shangri-la diễn ra sắp tới tại Singapore với hàng loạt vấn đề, trong đó có tình hình biển Đông. Sau đó là cuộc gặp giữa quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc cũng dự kiến họp tại Bắc Kinh. Vì thế Trung Quốc muốn dằn mặt Hoa Kỳ cùng đồng minh cũng như các quốc gia thuộc đối tác liên kết với nước này”, Ths Việt phân tích.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Sơn, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng đối thoại an ninh Shangri-la, diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương, chính là mối lo mà Trung Quốc đang e ngại vào thời điểm này.
“Chúng ta biết rằng ở diễn đàn lần trước thì câu chuyện biển Đông rất nóng, Trung Quốc đã bị cả hội nghị phản đối quan điểm.
Lần này khi mới khởi động hội nghị thì vấn đề cũng đã nóng lên và càng ngày bằng diễn biến thực tế trong thời gian vừa qua của Trung Quốc, những nước có liên quan đến vấn đề biển Đông đều cảm thấy rằng không thể không thống nhất ý kiến, không thể không đưa ra một cách chủ động những đối sách phù hợp để ngăn cản hoạt động trái phép của Trung Quốc.
Trung Quốc biết sẽ đón nhận một cái sự yếu thế, sự phản đối của cộng đồng quốc tế về biển Đông nên đã đi trước một nước. Họ đưa ra những lời hăm dọa, mượn tờ báo Hồng Kong và báo nước ngoài để công bố kế hoạch lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông”, ông Sơn nhấn mạnh.
Trung Quốc rung cây dọa khỉ
Dù thừa nhận thông điệp Trung Quốc truyền đi là rõ ràng, tuy nhiên Ths Hoàng Việt cho rằng đây chỉ là chiêu bài “rung cây dọa khỉ” của Trung Quốc nhằm đánh lạc hướng dư luận.
“Trung Quốc dù tuyên bố như vậy nhưng tôi cho rằng trong thực tế họ không thể làm được.
Ngay cả biển Hoa Đông là vùng dễ hơn Bắc Kinh tuyên bố thành lập ADIZ năm 2013 nhưng trong thực tế họ đã thất bại. Các quốc gia khác như Mỹ, Nhật, Úc đã cho máy bay bay qua khu vực đó mà không xin phép Trung Quốc.
Với biển Đông thì càng khó khăn hơn. Thứ nhất là biển Đông rộng hơn khu vực biển Hoa Đông rất nhiều. Thứ hai là năng lực trên biển Đông của Trung Quốc chưa được mạnh như ở Hoa Đông.
Thứ ba là các quốc gia như Mỹ, Nhật, Úc, Anh đã thẳng thắn lên án Trung Quốc. Vì vậy các quốc gia này sẽ cho lực lượng máy bay chiến đấu bay trên vùng biển đó mà không xin phép để phản đối tuyên bố của Trung Quốc. Vì thế Bắc Kinh có tuyên bố đi chăng nữa thì họ cũng chỉ tuyên bố được với 1 số quốc gia nhỏ, yếu ớt chứ trong thực tế thì không áp dụng được”, Ths Hoàng Việt phân tích.
Nhìn nhận ở góc độ khác, ông Nguyễn Anh Sơn khẳng định tuyên bố thành lập ADIZ lần này của Trung Quốc không hề chỉ là lời dọa dẫm như các lần trước. Bắc Kinh đang có một kế hoạch cụ thể, chi tiết trên vùng biển Đông nhằm thực hiện toan tính của mình.
Nguồn tin: Thanhnien