Ảnh: Shutterstock |
Dấu hiệu đáng ngờ
Ho kéo dài hoặc khàn tiếng. Trước khi “kết luận” triệu chứng ho dai dẳng chỉ là một phần của mùa cúm, bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra chắc hơn. Theo một nghiên cứu mới ở Anh, trong hơn 50% người bị ung thư, chỉ có 2% tin rằng ho là một trong những nguyên nhân gây bệnh.
Theo GS-TS Therese Bartholomew Bevers - Giám đốc y tế Trung tâm phòng chống ung thư MD Anderson (Mỹ), ho sẽ không có vấn đề gì, nhưng nếu kèm theo những tiếng khạc nhổ, và đặc biệt là có máu thì cần được xem xét. Hầu hết các cơn ho không liên quan đến ung thư, nhưng nếu ho dai dẳng có thể đó là ung thư phổi.
Thói quen đường ruột thay đổi. Khi việc đi tiêu không còn dễ dàng như trước đây hoặc phân trông có vẻ lớn hơn bình thường hoặc hơi bị biến dạng, đây có thể là dấu hiệu của ung thư ruột kết, tiến sĩ Bevers cho biết. Dấu hiệu này cho thấy có một khối u nào đó trong ruột gây cản trở đường đi của phân.
Tiểu ra máu. Đi tiểu ra máu có thể là dấu hiệu của ung thư bàng quang hoặc thận hay cũng có thể là một dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu. Trước tiên cần kiểm tra bệnh nhiễm trùng, sau đó mới đến các kiểm tra khác.
Đau dai dẳng không rõ nguyên nhân. Hầu hết các cơn đau không phải là một dấu hiệu của bệnh ung thư, nhưng đau dai dẳng có thể là hồi chuông cảnh báo, theo tiến sĩ Bevers. Nếu bạn bị nhức đầu dai dẳng, bạn có thể cần kiểm tra não để loại trừ khả năng ung thư não. Đau dai dẳng ở ngực có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư phổi. Và đau ở vùng bụng thì có thể là ung thư buồng trứng.
Vết thương không lành. Nếu có một vết loét không lành kéo dài suốt 3 tuần, bạn nên nhanh chóng đến bác sĩ kiểm tra. Tiến sĩ Bevers cho biết đó có thể là một dấu hiệu của ung thư biểu mô.
Chảy máu bất ngờ. Theo Womenshealthmag, dù không phải trong chu kỳ hành kinh, nhưng âm đạo chảy máu bất thường có thể là dấu hiệu sớm của ung thư cổ tử cung, trong khi chảy máu từ trực tràng có thể chỉ ra bệnh ung thư ruột kết.
Giảm cân không rõ nguyên nhân. Nếu cân nặng tự dưng sụt giảm một cách rõ ràng, dù bạn không dùng bất kỳ phương pháp giảm cân nào, đây là điều đáng lo ngại. Một trong những nguyên nhân gây giảm cân có thể là do khối u ác tính.
Khi nào nên tầm soát ung thư?
Tầm soát ung thư là chìa khóa để chủ động phát hiện sớm, ngăn ngừa và bảo vệ bạn tránh khỏi nguy cơ bị ung thư tấn công. Theo số liệu thống kê mới nhất của Hiệp hội Ung thư Việt Nam, mỗi năm cả nước có thêm khoảng 150.000 ca mắc bệnh mới và 75.000 ca tử vong do ung thư. Nếu cộng thêm số bệnh nhân đã mắc tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 240.000 - 250.000 bệnh nhân bị ung thư đang điều trị. Vì vậy, để phòng tránh ung thư hiệu quả, điều trước tiên cần làm là nên tầm soát, đặc biệt đối với những người nằm trong nhóm nguy cơ cao, như: có người thân (bố, mẹ, chị, em...) bị loại ung thư có tính chất gia đình như ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng và nhóm người nghiện thuốc lá, rượu bia.
Theo các chuyên gia y tế, kiểm tra sức khỏe là cách hữu hiệu để phòng bệnh vì thông qua các cuộc kiểm tra, chúng ta sẽ biết được tổng trạng của cơ thể, biết được các chỉ số của cơ thể để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, luyện tập, dùng thuốc để kịp thời chữa trị những căn bệnh mới phát sinh cũng như giúp phòng ngừa và phát hiện sớm các bệnh lý nội khoa và tầm soát các căn bệnh ung thư nguy hiểm. Qua đó, giúp bác sĩ theo dõi tiến triển, tiên lượng bệnh hoặc định hướng phương pháp điều trị phù hợp.
Đối với mỗi bệnh ung thư, độ tuổi nên tầm soát là khác nhau. Chẳng hạn như đối với ung thư vú, phụ nữ trên 40 tuổi nên tầm soát bệnh trong khi đối với ung thư cổ tử cung, độ tuổi nên tầm soát là 21 tuổi... Ngoài ra, độ tuổi tầm soát ung thư cũng phụ thuộc vào nguy cơ mắc ung thư của bạn, chẳng hạn như những người có tiền sử gia đình mắc ung thư, người hút thuốc lá nhiều. Đặc biệt, hiện nay tỷ lệ mắc ung thư ở phụ nữ đang có xu hướng trẻ hóa nên việc tầm soát ung thư cũng nên thực hiện sớm hơn.