Ông Nguyễn Quốc Hòa đã thử nghiệm lặn nổi tàu ngầm ở trong hồ. Ảnh: Thiên Sứ. |
Trong văn bản gửi ông Nguyễn Quốc Hòa, chủ nhân tàu ngầm Trường Sa mini, tỉnh Thái Bình hoan nghênh tinh thần say mê tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo và việc doanh nhân này tự đầu tư, thiết kế, chế tạo con tàu; đồng thời ủng hộ chủ trương thử nghiệm tàu ngầm. Tuy nhiên, việc ông Hòa và cộng sự đề nghị cho thử nghiệm tàu tại khu vực biển ngoài phao số 0 cảng Diêm Điền, cách bờ khoảng 12 km vào ngày 29/4 được cho là "chưa phù hợp và chưa thực hiện được".
Theo UBND tỉnh, nguyên nhân là do công ty chưa tính toán và khảo sát hết các thông tin về điều kiện địa lý, thủy văn. "Các phương án triển khai kế hoạch thử nghiệm con tàu cũng chưa cụ thể, chi tiết, đặc biệt là biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng của thủy thủ và phương án cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra trong quá trình thử nghiệm và biện pháp thông tin liên lạc giữa tàu ngầm với tàu hộ tống", văn bản nêu rõ.
Mặt khác, tỉnh Thái Bình thiếu các phương tiện cứu hộ, cứu nạn nên không thể đảm bảo an toàn tính mạng khi có sự cố xảy ra. Tỉnh thống nhất đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ và cho thử nghiệm tại bộ Tư lệnh Hải quân vùng 1.
Tỉnh cũng giao Bộ chỉ huy quân sự chủ trì phối hợp Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, công an, Sở Giao thông Vận tải, Sở Khoa học Công nghệ và các sở ngành có liên quan hướng dẫn ông Hòa hoàn thiện thủ tục, xây dựng kế hoạch cụ thể đảm bảo điều kiện thử nghiệm thành công.
Phó chủ tịch Thái Bình Cao Thị Hải yêu cầu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Bộ tư lệnh Hải quân vùng 1 cho tàu ngầm Trường Sa được thử nghiệm tại Viện kỹ thuật Hải quân, hỗ trợ các phương tiện cần thiết đảm bảo việc thử nghiệm an toàn.
Trao đổi với VnExpress, ông Hòa cảm ơn sự quan tâm của tỉnh Thái Bình. "Để tàu ngầm có thể thử nghiệm, tôi vẫn tiếp tục làm thủ tục lên Bộ Quốc phòng xin hỗ trợ và cấp phép. Nhưng tôi chỉ sợ mất thêm thời gian rất lâu nữa Trường Sa mới được thử nghiệm", ông Hòa băn khoăn.
Ông Hòa cho rằng, đáng lẽ cuộc họp của tỉnh nên có sự góp mặt của ông để ông giải thích những điều mà nhiều người thắc mắc, từ đó mới có cái nhìn toàn diện về dự án.
Tàu ngầm Trường Sa theo thiết kế có lượng choán nước 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi, bán kính hoạt động 800 km. Tàu có thể lặn sâu 50 m và di chuyển sát hay nằm im dưới đáy biển. Tàu được trang bị hai động cơ 90Hp. Khi lặn, tàu sử dụng công nghệ AIP, thời gian lặn 15 giờ; thời gian hoạt động trên biển là 15 ngày. Tàu đã được thử nghiệm lặn nổi thành công trong bể, ngoài hồ nhân tạo và đang chờ xin phép đưa ra thử nghiệm ngoài biển.
Hương Thu
Nguồn tin: VnEpress.net