Ngày 22/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lên tiếng cảnh báo Nhật Bản tránh xa tranh chấp chủ quyền của Bắc Kinh với các nước láng giềng ở biển Đông.
Trước đó 1 ngày, tại Hội nghị Thượng đỉnh về phối hợp hành động và củng cố lòng tin ở châu Á (CICA) ở Thượng Hải, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngầm cảnh báo các quốc gia châu Á muốn tăng cường liên minh quân sự chống lại Trung Quốc. “Chúng ta không thể vì sự an toàn của một hay một số quốc gia mà đặt phần khu vực vào tình thế nguy hiểm. Một quốc gia không nên tìm kiếm cái gọi là an toàn tuyệt đối khi chính nó đe dọa an ninh của các nước khác. Các quốc gia đừng cố nắm quyền chi phối vấn đề an ninh trong khu vực”.
Những lời cảnh báo này được đưa ra trong thời điểm Trung Quốc đang phải hứng chịu chỉ trích của quốc tế sau khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại biển Đông.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Deutsche Welle (DW), ông Gerhard Will, chuyên gia về Đông Nam Á, từng công tác tại Viện nghiên cứu Các vấn đề An ninh và Quốc tế (SWP) tại Đức cho rằng: "Sau khi nhận ra rằng động thái mới nhất của mình đẩy Hà Nội và Manila tới gần nhau hơn, Trung Quốc giờ đây có vẻ đang nao núng”.
Song, với những hành động ngày một hung hăng và trắng trợn tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc có nhiều hơn 1 lý do để lo lắng, bởi không chỉ ASEAN mà ngày càng nhiều quốc gia châu Á và trên thế giới công khai khẳng định thiện chí ủng hộ, sát cạnh cùng Việt Nam.
“Không can thiệp là góp phần làm xấu đi tình hình”
Sau những động thái của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, lần đầu tiên kể từ năm 1995, một tuyên bố chung của ASEAN về biển Đông đã được thông qua sau những lo ngại rằng về việc khối có thể bị chia rẽ bởi chủ đề phức tạp này.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia, nhận định tuyên bố này là một bước tiến dài, cho thấy lập trường của ASEAN về biển Đông đã được thắt chặt hơn. Ông cho rằng mặc dù tuyên bố không nêu đích danh Trung Quốc nhưng cho thấy rõ ràng các nhà lãnh đạo ASEAN đã chia sẻ lo ngại chung về tình hình biển Đông.
Trả lời báo giới tại sân bay Manila, trước khi tới Myanmar dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24, Tổng thống Philippines Benigno Aquino khẳng định rằng tranh chấp hàng hải giữa các quốc gia ASEAN với Trung Quốc ảnh hưởng tới an ninh khu vực và vì vậy, ASEAN không thể đứng ngoài: “Một vấn đề ảnh hưởng tới tất cả các nước trong khu vực không thể giải quyết được một cách hiệu quả chỉ thông qua đối thoại giữa hai nước”.
Ngày 21/5, trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng ngày 21/5 tại Manila, Tổng thống Philippines Benigno Aquino khẳng định mối quan hệ hợp tác với Việt Nam và ASEAN về quốc phòng và an ninh “sẽ góp phần thúc đẩy sự ổn định trong khu vực”.
Đặc biệt, Indonesia, một quốc gia mang tư tưởng trung lập đối với các vấn đề ở biển Đông và thường đóng vai trò trung gian hoà giải, cũng đã thay đổi lập trường của mình. Trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal ngày 20/5, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa kêu gọi các nước trong khu vực có phản ứng mạnh mẽ hơn về vấn đề trên Biển Đông, bởi căng thẳng lần này ở biển Đông đã ảnh hưởng tới an ninh và ổn định khu vực chứ không còn là vấn đề của 2 nước nữa. Ông một lần nữa khẳng định: “ASEAN có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện để hai bên đối thoại giải quyết tình hình… Không can thiệp nghĩa là góp phần làm xấu đi tình hình”.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã có những phát biểu thẳng thắn về Biển Đông
Đồng quan điểm này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu trên tờ Nikkei (Nhật Bản) rằng vấn đề Biển Đông là một trong những vấn đề trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN, xét từ góc độ ASEAN có quyền lợi từ sự ổn định của khu vực, và vì vậy, ASEAN sẽ can dự vào vấn đề Biển Đông.
Về phần mình, Ngoại trưởng Singapore K Shanmugam gọi căng thẳng trên biển Đông “là chuyện gây quan ngại nghiêm trọng” mà “ASEAN không thể im lặng khi biển Đông đang sôi sục”.
Nhật Bản, Mỹ ủng hộ Việt Nam
Phát biểu trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam tại Tokyo ngày 22/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói: “Tôi đặc biệt quan ngại về những căng thẳng trong khu vực xuất phát từ hành động Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu Hải Dương-981. Nhật Bản sẽ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ và giám sát luật pháp”.
Nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho hay Bộ trưởng Ngoại giao nước này Fumio Kishida đang lên kế hoạch tới thăm Việt Nam vào cuối tháng 6 – đầu tháng 7 tới nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác an ninh hàng hải trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Trong khi đó, Mỹ cũng lên tiếng ủng hộ việc Việt Nam sử dụng biện pháp pháp lý với Trung Quốc để giải quyết vấn đề ở biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam.
Bình luận về những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) khu vực Đông Á ở Philippines, Phát ngôn viên Nhà Trắng Patrick Ventrell nói: "Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, giao thương hợp pháp không bị cản trở và tự do hàng hải cũng như bay trên vùng trời tại Biển Đông. Mỹ ủng hộ việc sử dụng ngoại giao và các biện pháp hòa bình khác để quản lý và giải quyết những bất đồng, trong đó có việc tận dụng trọng tài hoặc các cơ chế pháp lý quốc tế khác".
Nguồn tin: soha