Nay thì Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ nghiên cứu sửa đổi Thông tư 46/2012 của Bộ GTVT “quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ” theo hướng bắt buộc người điều khiển ô tô phải có GPLX số tự động bên cạnh GPLX số sàn như đã quy định từ trước đến nay.
Cơ sở điều chỉnh, bổ sung của bộ là “xuất phát từ thực tiễn”: Người học điều khiển phương tiện cơ giới (ô tô) được thực hành chủ yếu trên xe số sàn nhưng khi sắm xe thì đại đa số là xe số tự động, vì vậy cần có GPLX số tự động (!).
Rất nhiều người cho đây là “tối kiến” bởi sự phi lý và kém hữu ích của nó. Trước hết, sự bất cập trong đào tạo và sát hạch GPLX cơ giới khởi nguồn từ quy định của chính ngành GTVT, cụ thể là chương trình học lý thuyết thì theo xe số sàn, 80% thời lượng thực hành cũng trên xe số sàn, khi thi - cấp GPLX cũng bằng xe số sàn. Số giờ học và làm quen với xe số tự động rất ít, hầu hết học viên phải “mua” thêm giờ để rèn kỹ năng chạy xe số tự động.
Cách dạy và học được duy trì bao năm qua đang đi ngược với xu thế vì số lượng xe số tự động đang lưu thông và đang được sản xuất, chào bán nhiều áp đảo xe số sàn; người điều khiển ô tô có tâm lý chung là thích xe số tự động hơn vì tiện lợi, nhất là khi lưu thông ở các đô thị đông đúc.
GPLX số tự động cũng không cần thiết bởi bất cứ ai đã biết lái xe (số sàn) thì đều có thể chạy xe số tự động (ngược lại, người chạy xe số tự động được lại chưa chắc lái xe số sàn được). Tức là, trong GPLX hiện nay đã tích hợp “2 trong 1”, thừa nhận chủ nhân của nó có khả năng điều khiển cả 2 loại hình phương tiện cơ giới rồi; cấp riêng GPLX số tự động làm gì nữa?!
Đó là chưa kể hàng loạt hệ lụy sẽ phát sinh: người lái xe phải có đến 2 loại giấy phép (vì lúc này có thể đang sở hữu xe số sàn nhưng vào thời điểm khác thì sắm xe số tự động); CSGT khi kiểm tra cũng phải vừa dò bằng lái vừa đối chứng xe xem có tương ứng không; việc tổ chức đào tạo, sát hạch sẽ “nở nồi”, gây tốn kém và chắc chắn là tiêu cực sẽ nhiều thêm, khó kiểm soát hơn.
Dường như “công bộc” nào cũng được học và thuộc câu dạy “việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh” nhưng đó là học, còn khi “hành” thì lại làm khác!
Nguồn tin: NLĐ Online