|
Đó là những thông tin được Bộ GD-ĐT công bố tại cuộc gặp gỡ báo chí vào cuối giờ chiều qua 24.2.
Ngoại ngữ thi tự chọn và thêm phần viết luận
4 môn thi bao gồm: 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn; 2 môn tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử và ngoại ngữ. Như vậy, môn ngoại ngữ đã được thay đổi thành môn tự chọn thay vì môn bắt buộc (như trước đây) và môn khuyến khích (như dự thảo đổi mới Bộ GD-ĐT công bố ban đầu).
|
Thanh Niên đặt vấn đề về việc có thay đổi cách thức thi ngoại ngữ hay không khi mà Bộ đang lo ngại về cách thi ngoại ngữ hiện nay không khuyến khích được cách học ngoại ngữ thực chất? Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết: “Ngoại ngữ năm nay sẽ có phần viết luận bên cạnh phần thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, thời gian thi vẫn không tăng lên so với năm trước, cụ thể môn ngoại ngữ vẫn là 60 phút”. Mặc dù vậy, theo ông Trinh, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa xác định cụ thể bao nhiêu phần trăm là câu hỏi trắc nghiệm và bao nhiêu câu hỏi tự luận. Tuy nhiên, ông Trinh cho hay môn ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn giữ ổn định như hiện nay, tức chỉ thi trắc nghiệm.
Ông Trinh khẳng định vẫn giữ nguyên hình thức thi với các môn thi còn lại. Tuy nhiên, tất cả các môn thi sẽ tăng cường câu hỏi mở để tiệm cận dần với việc thi 4 môn thành 4 bài thi dự kiến sẽ áp dụng bắt đầu từ 2015.
Thi hai ca trong một buổi
Năm nay, mỗi thí sinh chỉ thi 4 môn nhưng do học sinh được tự chọn 2 môn nên Bộ sẽ phải tổ chức thi cả 8 môn vào 8 thời điểm khác nhau.
Ông Trinh cho biết cách thức tổ chức thi sẽ theo nguyên tắc mỗi học sinh có một số báo danh duy nhất trong suốt kỳ thi. Phòng thi sẽ được xếp theo môn, trong mỗi ca thi chỉ có 1 môn thi để tránh trường hợp thí sinh tự chọn 2 môn thi nhưng 2 môn đó lại diễn ra trong cùng một thời gian. Ông Trinh cho rằng Bộ cũng chủ định xếp một buổi thi có 2 ca thi với 2 môn thuộc lĩnh vực khác nhau, ví dụ văn là môn khoa học xã hội thì thi với hóa là môn thiên về khoa học tự nhiên… để tránh tối đa số thí sinh phải thi liền 2 ca trong một buổi thi.
Kết hợp điểm lớp 12 và kết quả thi tốt nghiệp
Về công nhận và xếp loại tốt nghiệp, theo Bộ GD-ĐT, năm nay sẽ kết hợp kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở lớp 12 với kết quả 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp (theo trọng số đánh giá là 50% + 50%).
Về việc xét tuyển sẽ cụ thể hóa trong quy chế thi tốt nghiệp THPT trên nguyên tắc điểm xét tuyển và điểm thi đều có giá trị tương đương nhau. Kết quả xét học bạ lớp 12 của thí sinh được đưa vào cơ sở dữ liệu phần mềm thi trước khi kỳ thi diễn ra và khi chốt rồi thì sẽ không thể thay đổi hay sửa chữa gì nữa. Trao đổi với Thanh Niên cụ thể hơn về cách tính điểm xét học lực năm lớp 12 để xét thi tốt nghiệp, ông Trinh nêu ví dụ: “Nếu thí sinh đạt học lực trung bình cả năm lớp 12 là 6,5 thì sẽ được đổi sang điểm số là 6,5 điểm; điểm trung bình 4 bài thi cộng vào chia cho 4, được kết quả bao nhiêu thì sẽ lấy số đó cộng với điểm học lực lớp 12 và chia đôi”.
Tìm tiêu chí khác thay cho điểm sàn Tại cuộc họp báo, Bộ GD-ĐT cũng công bố tiêu chí duy nhất - điểm sàn - để đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ được áp dụng hơn chục năm qua sẽ được thay thế bằng các tiêu chí khác nhau để đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với yêu cầu tuyển sinh. Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, lý giải: “Năm nay không xác định tiêu chí tuyển sinh bằng điểm sàn, thay thế bằng các tiêu chí khác để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Sẽ có một hội đồng tư vấn cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc này. Chúng tôi cũng sẽ mở các diễn đàn để xin ý kiến rộng rãi của các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý và đặc biệt là các cơ quan ngôn luận, trên cơ sở đó thì hội đồng tư vấn sẽ có một quyết định cụ thể”. |
Học sinh vui mừng Trước phương án thi tốt nghiệp mà Bộ GD-ĐT vừa công bố chiều qua, học sinh và giáo viên đều tỏ ra vui mừng. Trần Võ Thùy Nhi, học sinh lớp 12A10 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM), cho biết: “Em rất vui trước thông tin này. Từ 6 môn thi giảm xuống còn 4 môn, như vậy tụi em sẽ có cơ hội đậu tốt nghiệp nhiều hơn”. Cùng tâm trạng, Nguyễn Ngọc Hoàn Mỹ, lớp 12A2 Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1), nói: “Giảm môn thi nghĩa là tụi em giảm được rất nhiều áp lực trong học tập lẫn thi cử. Theo đó, tụi em cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để ôn tập các môn cho thi ĐH. Như vậy, cơ hội vào ĐH của chúng em sẽ lớn hơn nhiều. Em sẽ chọn 2 môn hóa và sinh cho thi tốt nghiệp, vì em chọn thi ĐH khối B”. Lãnh đạo một trường THPT tại Q.3 nói: “Tôi rất hoan nghênh kỳ đổi mới này của Bộ GD-ĐT. Đây là đổi mới đáp ứng được nhiều kỳ vọng của xã hội. Giảm số môn thi cùng với việc cho học sinh được chọn 2 môn nghĩa là tăng cơ hội cho học sinh, học sinh là đối tượng trực tiếp hưởng lợi. Nhưng tôi đang băn khoăn: Nếu tự chọn môn thi, vậy chúng ta sẽ tổ chức hội đồng thi ra sao, một điểm thi tổ chức thi cùng lúc nhiều môn, hay quy tụ học sinh cùng chọn trùng môn thi sẽ thi ở một hội đồng thi. Mong là Bộ GD-ĐT tiếp tục thông tin sớm về vấn đề này, để nhà trường nắm và còn phổ biến cho học sinh”. Minh Luân |
Còn tiếp tục đổi mới Dự kiến ban đầu của Bộ GD-ĐT là đổi mới thi tốt nghiệp THPT áp dụng từ năm 2014 sẽ giữ ổn định cho tới khi có lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp THPT theo chương trình - sách giáo khoa mới (sau 2015). Tuy nhiên, công bố mới nhất của Bộ GD-ĐT lại cho thấy từ những năm tới, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được đổi mới theo hướng: chuyển dần từ 4 môn thi thành 4 bài thi; nội dung của mỗi bài thi bao gồm phần cơ bản (để đánh giá đúng và toàn diện năng lực của học sinh, tạo động lực để học sinh học, phát triển toàn diện) và phần nâng cao (nhằm phân loại học sinh, là một căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh). Trên cơ sở đó hướng tới một kỳ thi đáp ứng cả yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ sớm đưa dự thảo phương án thi để xin ý kiến nhằm hoàn thiện để công bố trước khai giảng năm học 2014 - 2015. |
Tuệ Nguyễn
Nguồn tin: Thanhnien