|
Trong phần chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều nay 19.11, nhiều đại biểu (ĐB) QH đã đặt vấn đề liên quan đến kinh tế, chủ quyền biển đảo.
ĐB Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) hỏi Thủ tướng quan điểm của Nhà nước ta về chủ quyền trên biển Đông và quan hệ với Trung Quốc sau sự việc Trung Quốc kéo và rút giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển Việt Nam?
Thủ tướng khẳng định đối với Trung Quốc hay tất cả các nước trên thế giới, về đối ngoại, nước ta đều phải thực hiện kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ. Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trên cơ sở là tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng cùng có lợi vì lợi ích quốc gia, dân tộc; tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc, thực hiện đúng các cam kết, công ước quốc tế.
“Đối với ta thì Trung Quốc là láng giềng. Chúng ta hết sức và mãi mãi mong muốn Việt Nam và Trung Quốc chân thành hợp tác để gìn giữ hòa bình ổn định, cùng phát triển, để thực hiện một cách thực chất, thật sự 16 chữ vàng, 4 tốt; để đem lại lợi ích cho cả hai nước cùng phát triển. Chúng ta mong muốn hai nước chân thành và hợp tác để giải quyết những bất đồng của hai nước về biên giới lãnh thổ trên biển đảo theo luật pháp quốc tế. Chúng ta mong muốn như thế, làm hết sức mình như thế và mong muốn cùng với Trung Quốc thực hiện như thế”, Thủ tướng phát biểu.
“Vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tóm gọn quan điểm của Chính phủ về quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc sau sự việc Trung Quốc kéo và rút giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển Việt Nam.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, không chỉ với Trung Quốc mà với bất cứ nước nào trên thế giới, chúng ta cũng phải “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” để có hòa bình ổn định, để có hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, hợp tác cùng phát triển, đồng thời bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước.
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) đặt câu hỏi: “Ngay khi giàn khoan Hải Dương-981 chưa rút, Trung Quốc đã xây dựng trên các đảo Gạc Ma và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Xin hỏi Thủ tướng kế sách của Chính phủ để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc?".
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tất cả mọi người ở đây đều biết đảo Gạc Ma và một số đảo gần Trường Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm 1988. Lúc đó vì tình hình Việt Nam và các nước ASEAN đã ký với Trung Quốc về Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan về biển Đông (DOC). Ở tuyên bố này, các bên cam kết giữ nguyên hiện trạng không làm phức tạp thêm tình hình biển Đông, mọi tranh chấp giải quyết hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, không dùng hay đe dọa vũ lực.
Thủ tướng xác định, còn việc Trung Quốc bồi lấp biển thì như thông tin báo chí đã nêu, Trung Quốc bồi lấp lớn nhất là ở đảo Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa), khoảng 49 hecta, lớn hơn đảo Ba Bình.
“Thưa các vị ĐB, lập trường chúng ta phản đối điều này. Việc làm Trung Quốc vi phạm điều 5 của DOC. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ lập trường phản đối này. Tại nhiều hội nghị cấp cao ASEAN, Đông Á và quốc tế, tôi đã phát biểu lập trường này của Việt Nam. Chúng ta bày tỏ công khai, rõ ràng lập trường này của chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề xuất thành lập Bộ Kinh tế biển
|
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) có ý kiến: Nước ta có “biển vàng” giàu tài nguyên. Hơn 500 năm trước, Trạng Trình căn dặn phải ráng giữ. Vậy trong những năm gần đây chúng ta đã có những đầu tư gì để giữ biển đảo?
Theo ĐB Đương, cần bớt đầu tư công trong bờ để đầu tư kinh tế biển, cần thành lập Bộ Kinh tế biển để có bộ chuyên tâm tham mưu cho Chính phủ về biển đảo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Biển quan trọng như thế nào thì tất cả chúng ta ở đây đều biết. Đảng ta đã có Nghị quyết chuyên về chiến lược biển đồng bộ. Chính phủ cũng đã có chương trình, kế hoạch, triển khai hành động.
Thủ tướng cho biết căn cứ vào khả năng ngân sách Quốc gia, Chính phủ đã đang và tiếp tục có đầu tư để vừa phát triển kinh tế biển vừa bảo vệ an ninh, chủ quyền Quốc gia trên biển.
Còn về vấn đề bớt đầu tư trên bộ mà chuyển qua đầu tư trên biển thì theo Thủ tướng khó mà có sự phân định rạch ròi vì nhiều khi đầu tư trên bộ mà cho biển.
“Chúng ta đầu tư với tinh thần chung là khai thác tốt nhất, hiệu quả cao nhất kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền Quốc gia”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng ghi nhận ý kiến của ĐB về việc thành lập Bộ Biển sẽ nghiên cứu tiếp. Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá, bây giờ lập Bộ Biển để quản lý, làm tất cả các nhiệm vụ trên biển thì một bộ khó làm được. Vì trên biển liên quan đến rất nhiều lĩnh vực về: kinh tế, vận tải, du lịch, khai thác thủy hải sản, dầu khí, an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền Quốc gia… nên hiện nay quản lý của Chính phủ trên biển có sự phân công, phối hợp của nhiều bộ, theo từng lĩnh vực chuyên môn.
ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) chất vấn: "Tôi vừa nghe báo cáo của Thủ tướng về xử lý nợ xấu, đề nghị Thủ tướng làm rõ vấn đề nợ xấu. Ai cũng biết nợ xấu trong ngân hàng thương mại là vấn đề bình thường trong tín dụng ngân hàng. Vì vậy luật pháp quy định tổ chức tín dụng phải trích dự phòng rủi ro trước khi chia cổ tức. Tuy nhiên nợ xấu vượt quá khả năng tự giải quyết của ngân hàng thương mại, đe dọa mất thanh khoản…, làm nền kinh tế trì trệ thì nợ xấu thành vấn đề của kinh tế vĩ mô mà ở các nước Chính phủ phải can thiệp xử lý chứ không thể chỉ trách nhiệm của ngân hàng thương mại. Tôi đánh giá cao nỗ lực xử lý nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước đã có kết quả, nhưng nếu thiếu sự hỗ trợ, can thiệp của Chính phủ thì xử lý nợ xấu sẽ dài, ảnh hưởng nền kinh tế. Đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ có chủ trương gì để giải quyết vấn đề này?".
ĐB Thân Đức Nam - Ảnh: Ngọc Thắng
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: "Về vấn đề ĐB Thân Đức Nam hỏi liên quan đến nợ xấu của tổ chức tín dụng tại báo cáo tôi đã trình bày rõ thực trạng nợ xấu hiện nay cũng như nguyên nhân, chủ trương, giải pháp vừa qua cũng như kết quả sắp tới. Có một điều xin nói rõ là chúng ta không có ngân sách, không sử dụng ngân sách để làm việc này. Không có ngân sách thì có khó khăn hơn nhưng chúng ta vẫn có cách làm, cách giải quyết của chúng ta như đã trình bày. Đến năm 2015 Chính phủ phấn đấu nợ xấu trong hệ thống tín dụng của nước ta trở về mức 3%, đó là mức thông thường trong kinh tế thị trường. Điều đó phù hợp hơn với điều kiện nước ta. Quốc hội đã bấm nút (thông qua ngân sách) rồi, cũng không có khoản tiền nào cho vấn đề này cả, ngay từ đầu chúng ta cũng xác định giải pháp. Chúng tôi sắp tới sẽ chỉ đạo các giải pháp như đã trình bày với Quốc hội làm sao cho nó có hiệu quả tốt hơn, nhanh hơn, vững chắc hơn". (T.Sơn) |
Nguyên Mi - Trung Hiếu
Nguồn tin: Thanhnien