Thực hiện Nghị quyết 41 của HĐND tỉnh ở Chư Jút: Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số

Thứ ba - 25/11/2014 04:24 926 0
Thực hiện Nghị quyết 41/2012/NQ - HĐND của HĐND tỉnh về triển khai “Đề án nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông từ năm học 2012 - 2013 đến năm học 2015 - 2016”, trong những năm gần đây, chất lượng giáo dục ở các trường có đông học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Chư Jút ngày càng được nâng cao.

Theo đó, ngay sau khi nghị quyết có hiệu lực, thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện đã tổ chức phổ biến các nội dung, mục đích, ý nghĩa và biện pháp thực hiện đề án đến tất cả các đơn vị trường học có đông học sinh DTTS.

Về phía các trường cũng nhanh chóng thống kê lại số học sinh DTTS được hưởng lợi để tăng cường dạy tiếng Việt cũng như rà soát lại số học sinh yếu, kém để có hình thức bồi dưỡng kịp thời. Đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên DTTS cũng được tham gia các lớp tập huấn về nâng cao tay nghề, kỹ năng trong phụ đạo cho học sinh yếu, kém và tăng cường tiếng Việt cho học sinh các khối lớp 1, 2.

Giáo viên Trường Tiểu học Hà Huy Tập (xã Tâm Thắng) luôn chú trọng tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS

Trong khuôn khổ thực hiện đề án, mỗi năm, huyện được cấp kinh phí gần 900 triệu đồng để hỗ trợ trực tiếp cho học sinh và giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt và phụ đạo học sinh yếu kém. Qua thống kê, hiện toàn huyện có khoảng gần 2.000 học sinh DTTS thì đã có 672/833 học sinh lớp 1 và lớp 2 ở 32 lớp được tăng cường tiếng Việt, chiếm 80,6%; 226 học sinh yếu, kém của các lớp 3, 4, 6, 7 và 8 được tổ chức học phụ đạo.

Bên cạnh đó, đến nay đã có 37 giáo viên khối lớp 1 và 2 ở các trường được bồi dưỡng tiếng M’nông và tiếng Êđê. Riêng các Trường tiểu học Y Jút và Trường tiểu học Hà Huy Tập ở xã Tâm Thắng còn có giáo viên chuyên dạy tiếng Êđê cho học sinh các lớp 3, 4 và 5.

Theo ông Nguyễn Minh Chủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Y Jút thì với đặc điểm có gần 100% học sinh DTTS nên việc thực hiện nghị quyết thực sự là đòn bẩy để nhà trường từng bước nâng cao được chất lượng giáo dục. Nếu như những năm về trước, việc huy động học sinh đến trường là rất nan giải thì hiện nay dường như đã không còn là vấn đề khó khăn nữa.

Ngoài mở lớp tăng cường tiếng Việt thì nhà trường còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa như các trò chơi dân gian, các hội thi để giúp các em nâng cao khả năng nói tiếng Việt của mình. Nhờ đó, hàng năm tỷ lệ học sinh yếu, kém tiếng Việt đã giảm rõ rệt. Đến năm học 2013 - 2014 thì nhà trường hầu như không còn học sinh yếu, kém.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Chư Jút thì cùng với các chính sách khác đối với học sinh DTTS như cấp phát sách vở, miễn giảm học phí… thì việc thực hiện Nghị quyết 41 đã thực sự góp phần tích cực để giảm thiểu số học sinh bỏ học giữa chừng hàng năm.

Đặc biệt, qua các lớp tăng cường tiếng Việt đã giúp học sinh tự tin hơn trong giao tiếp và học các môn khác được tốt hơn. Nhờ đó, chất lượng giáo dục cũng từng bước được nâng cao. Riêng trong năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở các trường được thụ hưởng luôn chiếm trên 30%, có trường lên đến 60 - 70%. Tỷ lệ học sinh yếu tiếng Việt giảm rõ rệt qua từng năm.

Tuy nhiên, cũng theo ông Thạch thì trong quá trình thực hiện nghị quyết cũng phát sinh một số bất cập như: phụ cấp cho giáo viên dạy còn thấp; không có chế độ cho người quản lý trực tiếp; kinh phí cấp về còn chậm… Đây là những vấn đề rất cần được tỉnh, ngành chức năng quan tâm giải quyết để việc thực hiện Nghị quyết 41 của HĐND tỉnh ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh DTTS.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

Nguồn tin: Báo Đăk Nông

 Tags: n/a
yk
nh
kb
hd
cds
cl
cuc
ck
a9
a8
a7
a6
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập131
  • Hôm nay5,600
  • Tháng hiện tại53,098
  • Tổng lượt truy cập41,233,699
EMC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây