Cuối năm ngoái, Trung Quốc bắt đầu đợt cải tổ quân đội sâu rộng, với việc bãi bỏ 7 đại quân khu và lập 5 chiến khu phụ trách các miền đông, tây, nam, bắc và trung của nước này. Trong đó, Chiến khu miền nam (STC) được thành lập từ 2 đại quân khu Thành Đô và Quảng Châu, phụ trách những vùng biên giới quan trọng của Trung Quốc giáp với Myanmar và VN cùng vùng biển rộng lớn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, theo Tổ chức Jamestown Foundation (Mỹ).
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Tân Hoa xã hồi tháng 2.2016, Tư lệnh STC Vương Giáo Thành mô tả STC “bảo vệ cổng phía nam của đất mẹ” và “gánh vác sứ mệnh quan trọng của việc bảo vệ các lợi ích ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông)”.
Lính Trung Quốc tuần tra trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tháng 1.2016REUTERS |
Lục quân
Lục quân thuộc STC gồm có 3 tập đoàn quân: 14, 41 và 42. Trong đó, tập đoàn quân 14 đóng tại Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, giáp VN.
Theo Jamestown Foundation, những thông tin về các cuộc tập trận quân sự có sự tham gia của Tập đoàn quân số 14 cho thấy các lữ đoàn cấu thành gồm có nhiều đơn vị và thiết bị, từ pháo kéo cho đến xe tăng tác chiến chủ lực Type 96 (được đưa vào sử dụng từ năm 1997). Tập đoàn quân 41 thì đóng tại TP.Liễu Châu thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, cũng giáp với VN. Tập đoàn quân này gồm có Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 123 (được trang bị xe tăng Type 96A, xe tác chiến bộ binh 04A và 86A), Lữ đoàn bộ binh sơn cước số 121, Lữ đoàn bộ binh số 122 (xe Type 96A và xe tác chiến bộ binh 04A), Lữ đoàn thiết giáp (xe tăng tác chiến chủ lực 69 và xe bọc thép chở quân 89), Lữ đoàn pháo binh, Lữ đoàn phòng không và phi đội trực thăng Z-9 cùng trực thăng tấn công/do thám Z-19.
Còn Tập đoàn quân số 42 đóng tại TP.Huệ Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, gồm có Lữ đoàn tác chiến điện tử, Lữ đoàn biệt kích, Lữ đoàn cơ giới đổ bộ 124 (xe tác chiến đổ bộ 05), Sư đoàn bộ binh số 163, Lữ đoàn thiết giáp số 16 (xe tăng Type 96 và xe tác chiến bộ binh 04A), Lữ đoàn tên lửa phòng không HQ-16, HQ-9 (cải tiến) và Phi đội trực thăng tấn công Z-10 và Z-19.
Hôm 11.7, một ngày trước khi Tòa trọng tài ra phán quyết về Biển Đông,Hoàn Cầu thời báo đưa tin khoe rằng lữ đoàn không quân lục quân thuộc Tập đoàn quân số 42 mới điều đội Z-10 đến Biển Đông diễn luyện nhưng không cung cấp chi tiết. Tương tự, Hải Nam cũng có lực lượng bộ binh nhưng không lớn bằng lực lượng đóng ở 3 tỉnh nói trên.
Hải quân
STC còn quản lý cả Hạm đội Nam Hải, với địa bàn hoạt động ở Biển Đông. Đây là hạm đội được Trung Quốc ưu tiên bổ sung chiến hạm mới trong mấy năm gần đây. Bằng chứng là hiện chỉ có Hạm đội Nam Hải trong tổng cộng 3 hạm đội của hải quân Trung Quốc vận hành khu trục hạm tối tân Type 052D (4 chiếc) và tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mang tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân (SSBN) Type 094 (4 chiếc). Hạm đội Nam Hải còn là hạm đội đầu tiên của hải quân Trung Quốc được trang bị tàu đổ bộ Type 071, nhận 3 chiếc từ năm 2007 - 2012.
Tàu chiến Trung Quốc hùng hổ tập trận bắn tên lửa chống hạm gần Hoàng Sa ngày 8.7 TÂN HOA XÃ |
Tính đến nay, Hạm đội Nam Hải được cho là có tổng cộng gần 120 tàu, gồm 12 khu trục hạm tên lửa, 31 tàu hộ vệ/khinh hạm tên lửa, 27 tàu ngầm, trong đó có 10 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, 23 tàu đổ bộ, 14 tàu quét thủy lôi, 7 tàu tiếp tế tổng hợp, 1 tàu do thám, 2 tàu thí nghiệm, 1 tàu cứu hộ viễn dương và 1 tàu lặn, theo trang tin Sina.
| | Lực lượng tên lửa chiến lược (RF) của quân đội Trung Quốc (trước đây là Lực lượng pháo binh số 2) có nhiều cơ sở và lữ đoàn đóng trong phạm vi dưới sự quản lý của STC. Tuy RF không chịu sự chỉ huy của STC như hải, lục, không quân mà báo cáo trực tiếp với Quân ủy trung ương, nhưng lực lượng này cũng có vai trò nhất định trong các chiến dịch cấp chiến khu, theo Jamestown Foundation. RF được cho là có khoảng 100.000 quân và 6 lữ đoàn tên lửa đạn đạo, vốn được triển khai một cách độc lập trong các chiến khu. | | |
Cũng theo Jamestown, những đơn vị, căn cứ đáng chú ý của Hạm đội Nam Hải gồm có căn cứ tàu ngầm Tam Á, Chi đội tàu khu trục số 2, Chi đội tàu khu trục số 9 và Chi đội tàu cao tốc số 11. Trong đó, cùng với những khẩu đội tên lửa như HQ-9 mà Trung Quốc trước đó triển khai phi pháp tới đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN, Chi đội tàu khu trục số 9, đóng tại TP.Tam Á thuộc Hải Nam đang cải thiện khả năng phòng thủ bờ biển nước này.
Ngoài ra, Hạm đội Nam Hải còn được tăng cường nhiều tàu tiếp tế mới để duy trì các chiến dịch xa bờ. Trong đó có 2 tàu tiếp tế tổng hợp 23.000 tấn mới được đưa vào nhóm tác chiến thuộc Hạm đội Nam Hải ngày 15.7, chỉ 3 ngày sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết về Biển Đông. Hạm đội Nam Hải cũng có 2 lữ đoàn hải quân đánh bộ số 1 và 164. Hai lực lượng này sẽ được Chi đội đổ bộ số 6, trong đó có tàu đổ bộ cỡ lớn như tàu Type 071, đưa vào vùng tác chiến.
Ngoài các đội tàu chiến, hải quân của STC còn sở hữu 2 sư đoàn không quân hải quân số 8 và 9, được trang bị nhiều loại máy bay như chiến đấu cơ J-11 và oanh tạc cơ H-6K. Lực lượng này được giao nhiệm vụ bảo vệ cái gọi là không phận trên biển của Trung Quốc và trong trường hợp xảy ra xung đột chúng sẽ cho máy bay chiến đấu - ném bom JH-7B từ Hải Nam hoặc oanh tạc cơ H-6K từ căn cứ không quân ở Quảng Tây phóng những tên lửa diệt hạm tầm xa như YJ-10 và YJ-100.
Lực lượng không quân hải quân của Hạm đội Nam Hải lâu nay đóng vai trò nổi bật trong việc thách thức các chuyến bay giám sát biển của máy bay quân sự Mỹ ở không phận quốc tế gần bờ biển Trung Quốc và những đảo nhân tạo nước này xây phi pháp trong quần đảo Trường Sa. Jamestown Foundation chỉ ra rằng hồi năm 2001, chiến đấu cơ J-8 thuộc lực lượng không quân hải quân của Hạm đội Nam Hải bay từ căn cứ Lăng Thủy ở Hải Nam va chạm với máy bay do thám Mỹ EP-3, khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng và EP-3 phải hạ cánh khẩn cấp xuống Hải Nam. Đến tháng 8.2014, một chiếc J-11 từ Hải Nam biểu diễn lộn nhào trước máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến của Mỹ P-8 trong lúc đang bay ở không phận quốc tế.
Không quân
Bên cạnh lực lượng không quân hải quân, STC còn sở hữu lực lượng không quân, chỉ huy nhiều đơn vị lớn được trang bị các loại chiến đấu cơ như Su-27, J-11, J-10 và J-7.
Hôm 18.7, chưa đầy một tuần sau khi Tòa trọng tài ra phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò”, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đăng ảnh chiếc oanh tạc cơ H-6K bay trên bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines. H-6K có bán kính tác chiến 3.500 km, mang 6 tên lửa hành trình tấn công mặt đất KD-20/AKD-20 có thể mang đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn từ 1.500 - 2.000 km, theo trang Quân sự Trung Quốc. Trong bài phân tích được đăng trên trang War on the rock, một nhóm chuyên gia thuộc Tổ chức Nghiên cứu RAND Corporation (Mỹ) cho rằng tình trạng H-6K bay tuần tra trên những vùng tranh chấp ở Biển Đông rõ ràng cho thấy Trung Quốc muốn công khai vai trò ngày càng tăng của không quân và oanh tạc cơ trong các chiến dịch trên biển.
“Khi tranh chấp về Biển Đông tăng nhiệt, H-6K là mũi tên bổ sung cho những mũi tên chiến thuật mà Bắc Kinh dùng thể hiện quyết tâm và nỗ lực tác động tới hành vi của các bên khác trong khu vực”, nhóm chuyên gia RAND Corporation nhận định.
Dù không được truyền thông cũng như phát ngôn viên không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa xác định, dãy số nhận dạng của chiếc H-6K bay gần Scarborough dường như cho thấy nó thuộc Sư đoàn oanh tạc cơ số 8 đóng tại tỉnh Hồ Nam. Sư đoàn oanh tạc cơ số 8 còn vận hành một đội máy bay tiếp liệu. Đội máy bay này cùng máy bay vận tải quân sự chiến lược Y-20 sẽ giúp nâng cao khả năng của không quân Trung Quốc, theo Jamestown.
Chiến đấu cơ Su-30 của Trung Quốc “tuần tra tác chiến” phi pháp ở Biển Đông81.CN |
Hôm 6.8, phát ngôn viên Thân Tiến Khoa tiếp tục ngang nhiên tuyên bố không quân Trung Quốc đã tổ chức cho phi đội gồm máy bay tiếp liệu, H-6K, chiến đấu cơ Su-30, máy bay cảnh báo sớm và do thám “tuần tra tác chiến” quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN, bãi cạn Scarborough cùng các vùng biển lân cận. Trong thời gian đó, chiếc Su-30 được tiếp liệu 2 lần.
Theo chuyên trang Sinodefence.com, Su-30 có bán kính tác chiến 1.600 km không cần tiếp nhiên liệu trên không và tầm tác chiến này tăng lên 2.600 km nếu được tiếp liệu 1 lần và 3.500 km với 2 lần tiếp liệu. Sinodefence.com còn khoe rằng khả năng này cho phép Su-30 lảng vảng trong một thời gian dài đáng kể trên những khu vực tranh chấp ở Biển Đông và có thể vươn tới các mục tiêu xa tận biển Java dù nó cất cánh từ sân bay trong đất liền Trung Quốc.
Văn Khoa