|
Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong năm 2014, toàn tỉnh có 14.115 biên chế hành chính- sự nghiệp; trong đó, biên chế hành chính là 2.168 biên chế. Tổng số nhân viên làm việc theo hợp đồng 68 ở các đơn vị trong toàn tỉnh là 703 người; trong đó cơ quan chuyên môn hành chính là 177 người và đơn vị sự nghiệp là 526 người.
Từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh cũng đã bố trí việc làm cho 210 sinh viên cử tuyển đã tốt nghiệp; trong đó trình độ đại học là 152 người, cao đẳng 46 người và trung cấp chuyên nghiệp 12 người. Nhìn chung, tình hình phân bổ, sử dụng biên chế hành chính-sự nghiệp cũng như nhân viên hợp đồng cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc của các cơ quan, ban ngành, địa phương.
Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, hiện nay, tỷ lệ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số ở các cấp còn đạt thấp. Cụ thể, số cán bộ, công chức cấp tỉnh là dân tộc thiểu số 74/1.373 người, chiếm 5,3%; cấp huyện là 52/739 người, chiếm 6,5% và cấp xã là 52/793 người, chiếm tỷ lệ 25%. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề hạn chế nhất hiện nay đó là công tác cử tuyển vẫn còn nảy sinh không ít bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh cũng như bố trí việc làm cho các trường hợp nằm trong diện này.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Điểu K’ré đã yêu cầu Sở Nội vụ cần phân định rõ ràng các loại hình biên chế và hợp đồng cũng như rà soát, kiểm tra lại nhu cầu để phân bổ phù hợp. Việc tổ chức tuyển công chức, viên chức cần phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, công khai, minh bạch để thu hút được nhân tài. Sở Nội vụ cũng cần nghiên cứu, tham mưu các cấp rà soát lại biên chế sự nghiệp, hành chính nhằm có kế hoạch phân bổ một cách hợp lý. Các đơn vị liên quan cần chú trọng bố trí sử dụng để tăng tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số ở các ngành, địa phương. Việc cử đi đào tạo cử tuyển cần đúng người, đúng ngành nghề để bố trí sử dụng biên chế hợp lý.
Tin, ảnh: Nguyễn Hiền
Nguồn tin: Báo Đăk Nông